Treo ảnh người đổ rác trộm và câu chuyện pháp lý xoay quanh
Hà Nội: Đổ rác thải tràn lan quanh tập thể dịch vụ nông nghiệp |
Mới đây, người dân tổ dân phố 22 (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có một sáng kiến chống nạn đổ trộm rác thải là bêu hình ảnh "thủ phạm xả rác". Theo đó, các gia đình đã góp tiền lắp camera, chụp ảnh những người đổ rác bừa bãi và treo ở nơi công cộng để nhắc nhở cảnh cáo. Camera sẽ ghi lại hình ảnh người đổ rác bừa bãi. Trên cơ sở đó, Tổ dân phố sẽ in ảnh rồi dán lên các cột điện. Việc làm này đã giúp nạn đổ trộm rác thải giảm hẳn.
Để chống nạn |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bà Hoàng Thanh Mai (70 tuổi, tổ trưởng dân phố số 22) là người khởi xướng cho ý tưởng này và được đông đảo người dân trong tổ ủng hộ trước thực trạng nạn đổ rác thải trong khu vực khiến nhiều bà con bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (một người dân tổ dân phố 22) cho biết, trước đây, cứ mỗi khi chiếc xe thu gom rác vừa đi khỏi là người dân trong xom đã lại nhìn thấy rác ở chân cột điện. Sau khi bà tổ trưởng dân phố triển khai ý tưởng lắp camera và đăng ảnh những người đổ rác trộm thì nạn đổ rác trộm đã không còn. Người dân chỉ đổ rác theo kẻng, khu phố trở nên sạch sẽ.
Những nơi có camera đã hạn chế được nạn đổ "rác trộm" |
Một số nơi không có camera vẫn còn rác. |
Ông Đỗ Đức Thắng (tổ dân phố 22) cho biết, trước khi lắp camera, người dân dễ đổ lỗi cho nhau. Người nọ cho là người kia đổ rác bừa bãi. Nhiều người đi qua có thể quăng rác ra đường gây hôi thối. Sau khi nhắc nhở nhiều người dân không nghe, người dân ở đây quyết định phải có hình ảnh. Biển cấm vứt rác vẫn để ở đây, nhưng treo luôn cả ảnh người vứt rác bừa bãi. Đến giờ này đã sạch sẽ tuyệt đối.
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu phố này, việc đổ rác giữ vệ sinh hiện nay đang được thực hiện rất văn minh. Đến giờ, người dân lại đem rác cho vào thùng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Việc làm của người dân ở tổ dân phố 22 đã nhận được khá nhiều đồng tình của người dân nơi khác.
Sau một số lần bị chụp ảnh, người đổ rác trộm không còn dám tái phạm |
Nơi nào có camera, rác tặc sẽ không xuất hiện nữa |
Trao đổi với báo chí, LS Hà Huy Phong (GĐ Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho biết, đối với những cá nhân có hành vi đổ rác trộm, đổ rác bừa bãi ở khu vực công cộng, vệ đường, vỉa hè có thể xử phạt hành chính khá nặng. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, phạt tiền 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 5 triệu - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Luật sư Phong cho rằng, sáng kiến treo ảnh người vứt rác không đúng quy định lên cột điện tại tổ dân phố 22 là một câu chuyện thú vị, không chỉ thể hiện ở khía cạnh bảo vệ môi trường, mà còn tác động đến quyền hình ảnh con người theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Phong, trên thực tế, các tấm ảnh dán lên cột điện đều là những bức ảnh chụp từ phía sau, không rõ mặt. Nghĩa là qua những tấm ảnh đó, người qua đường chỉ có thể phán đoán mà không đủ cơ sở để nhận diện cụ thể một người nào đó rõ ràng.
Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định về quyền hình ảnh của cá nhân: cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Theo vị luật sư, điều đáng bàn ở đây, là những hình ảnh chụp nơi công cộng, không rõ mặt người và không đủ cơ sở nhận diện một cách chắc chắn có thể bị coi là xác lập quyền hình ảnh cho người trong ảnh hay không? Và nếu những người treo ảnh đã cố tình treo những tấm ảnh không rõ mặt, thì có thể bị coi là vi phạm quyền hình ảnh của người khác hay không?
Vị luật sư cho rằng, đây có thể là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng theo ông, việc một tấm ảnh không lộ mặt của một người, mà chỉ có một số dấu hiệu cho phép phán đoán về mặt hình dạng, thì sẽ không được coi là hình ảnh của người trong ảnh về mặt pháp lý. Do đó, người đó không thể đòi hỏi quyền pháp lý của mình.
"Người dán ảnh lên cột điện sẽ không bị coi là vi phạm quyền hình ảnh." - Ông Phong nhấn mạnh.
Chúng tôi đặt câu hỏi nếu một số hình ảnh lộ mặt thì có bị coi là đã xâm phạm quyền hình ảnh như thế nào và chế tài xử phạt theo pháp luật như thế nào?
Quyền hình ảnh là quyền nhân thân theo quy định của Bộ Luật Dân sự, và người có quyền nhưng bị xâm phạm có thể khởi kiện một vụ kiện dân sự để yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại. Nhưng theo luật sư, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện tại không có quy định về việc xử phạt người xâm phạm quyền hình ảnh, ngoại trừ hành vi xâm phạm đó diễn ra trong một số lĩnh vực đặc thù, như báo chí, quảng cáo,…. Ví dụ: Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định “phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Theo Luật sư Phong, với hành vi dán ảnh mà người dán đã cố tình chọn những tấm ảnh không rõ mặt người, thì không nên coi là có hành vi làm nhục người khác...