"Nhức nhối" tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng tại Gia Lâm
Trạm ép rác thải thử nghiệm của Urenco hành dân đến bao giờ? Hà Nội quyết không để rác thải sinh hoạt tồn đọng trong ngày |
Thời gian gần đây, trên dọc tuyến đường Yên Thường thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm tình trạng phế thải xây dựng, rác thải đổ bừa bãi đang trở thành điểm “nóng” ở nơi đây.
Phế thải bị đổ trộm làm thu hẹp đất nông nghiệp. |
Trao đổi với PV, Anh N.V.D, một cư dân sống ở đây cho biết: “Hàng ngày tôi thường xuyên phải đi qua con đường này, chứng kiến những đống phế thải được đổ tràn lan rất mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ dân phá dỡ, sửa chữa nhà cửa tranh thủ lúc trời tối vắng người, thuê xe tải chở phế liệu đổ đi. Lúc đầu chỉ là bãi rác nhỏ, nhưng một người đổ thì người sau cứ theo, dần dần đã trở thành núi rác vùi lấp nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã”.
Nhiều diện tích đất bị lấn chiếm. |
Một số người khác cho biết các đống phế thải đó “đắp chiếu nằm nguyên” bấy lâu nay, không thấy một dấu hiệu nào sẽ được xử lý, thậm chí còn có sự gia tăng. Điều đáng nói, các khu vực bị đổ thải chỉ cách trụ sở UBND xã Yên Thường khoảng vài trăm mét nhưng không thấy chính quyền quyết liệt xử lý.
Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy. |
Theo quan sát của PV, đi dọc trên tuyến đường này, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng trăm tấn phế thải vật liệu xây dựng được đổ tràn lan, đủ các loại từ đất cát, vụn gạch cũ hay thậm chí là rác thải… lấp đầy xuống cả mương, ruộng của người dân.
Biển cấm đổ rác, đất thải dường như vô dụng. |
Mặc dù hiện nay thành phố đã có bốn bãi chứa, xử lý phế thải xây dựng quy mô lớn ở Mê Linh, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm nhưng vẫn chưa xử lý được tận gốc vấn nạn này. Bởi thực tế hiện các bến bãi trên phần lớn đều nằm khá xa trung tâm và bắt đầu có dấu hiệu quá tải, trong khi đó nhu cầu “xả thải” của người dân vẫn rất cao, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển hạ tầng mạnh như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm…
Bên cạnh đó, ý thức kém, chỉ đặt lợi ích lên hàng đầu của người dân, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công chính là những nguyên nhân khiến tình trạng đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng bùng phát như hiện nay. Để xử lý dứt điểm, bên cạnh sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương, cần siết chặt quy định chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải ký hợp đồng thuê đơn vị thu gom phế thải khi thi công công trình, đồng thời xử phạt nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm.