Tổng Bí thư Tô Lâm: Giáo viên phải là nhà khoa học, giỏi tiếng Anh

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Luật Nhà giáo cần xác định "người thầy là nhà khoa học", giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn cần phải là những nhà nghiên cứu.
Chính phủ trình Quốc hội xếp lương nhà giáo cao nhất

Ngày 9/11, phát biểu thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật hỗ trợ người thầy, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong công tác giáo dục và đào tạo thì người thầy là chủ thể rất quan trọng. “Muốn giáo dục phát triển được thì đầu tiên là phải có thầy cô; chúng ta đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể là người thầy”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Giáo viên phải là nhà khoa học, giỏi tiếng Anh
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đã nói tới thầy thì phải có trò. Do đó, Luật Nhà giáo cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa thầy và trò.

Cũng theo Tổng Bí thư, việc phổ cập giáo dục các cấp cũng đòi hỏi sự cân đối giữa số lượng thầy và số lượng trò. Trước đây thực hiện phổ cập tiểu học và trung học, tức là Nhà nước ban hành chính sách các cháu đến tuổi đi học là phải được đến trường (tiểu học và trung học cơ sở).

"Nếu tiến lên hơn nữa thì Nhà nước phải bỏ học phí, thậm chí là nuôi các em, các cháu đến tuổi đi học, tiến bộ đến mức độ như vậy thì không thể nói là thiếu thầy được. Có trò là phải có thầy, phải quy định rõ”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói và cho biết thêm, ứng dụng dữ liệu dân cư có thể cho biết số lượng học sinh đi học; có trò rồi thì phải chủ động có thầy, không thể để thiếu thầy, thiếu trường.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Giáo viên phải là nhà khoa học, giỏi tiếng Anh
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên là một yêu cầu cấp thiết. Luật Nhà giáo cần xác định "người thầy là nhà khoa học", giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn cần phải là những nhà nghiên cứu.

"Việc học tập, nghiên cứu không thể đứng lại bởi khoa học và tri thức không dừng lại. Nhà giáo phải mang được những tâm thế đó, phải có chuyên môn rất sâu về lĩnh vực của mình", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho giáo viên là vô cùng cấp thiết.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Giáo viên phải là nhà khoa học, giỏi tiếng Anh
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Do đó, dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định về trình độ ngoại ngữ tối thiểu mà giáo viên phải đạt được để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

"Thầy không có tiếng Anh thì dạy trò thế nào. Thầy Toán cũng phải có tiếng Anh để dạy toán bằng tiếng Anh, thầy Văn cũng phải có tiếng Anh để tiếp cận, hội nhập", Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến vấn đề học tập suốt đời và sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo. Trong đó dự thảo luật cần tạo điều kiện cho nhà giáo được học tập, bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp suốt cuộc đời, không bị hạn chế bởi tuổi tác hoặc các quy định về thời gian công tác nhằm huy động được nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, giảng dạy.

Phiên bản di động