Tin tức Bất động sản tuần qua: Thủ tướng yêu cầu kiểm tra xây nhà 4 tầng hầm
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra xây nhà 4 tầng hầm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà riêng lẻ cao 5 tầng nhưng có 4 tầng hầm.
Công trình nhà ở có 4 tầng hầm ở Hà Nội, |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình sống trong khu nhà ở ngõ 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Công văn ban hành hôm 23/9, nêu rõ các hộ gia đình hiện ở khu nhà ngõ 15 phố Sơn Tây có đơn gửi Thủ tướng phản ảnh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng nhà số 15 phố Sơn Tây cho ông Lê Công.
Về việc này, Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình theo quy định; trả lời cho các hộ và báo cáo Thủ tướng kết quả.
Kiến nghị bãi bỏ khung giá đất 5 năm một lần
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân TP HCM vào ngày 23/9/2020 kiến nghị về việc bãi bỏ khung giá đất 5 năm một lần.
HoREA cho rằng, hiện tồn tại một số bất cập của cơ chế ban hành “khung giá đất” và “bảng giá đất”, như: Quy định cơ chế xây dựng “khung giá đất” và “bảng giá đất” là không phù hợp, thậm chí đã mâu thuẫn, xung đột với nguyên tắc giá đất “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.
“Khung giá đất” được xây dựng mỗi giai đoạn 05 năm là không phù hợp. Việc phân vùng kinh tế cũng chưa thật hợp lý, mà lẽ ra các vùng nên được phân chia thành các vùng kinh tế có đặc điểm tương đồng.
"Bảng giá đất” của cấp tỉnh phải căn cứ vào “khung giá đất”, “bảng giá đất” được quy định mức giá cao hơn không quá 20% mức giá tối đa và không được quy định mức giá thấp hơn mức giá tối thiểu của “khung giá đất”. Việc không được quy định mức giá thấp hơn mức giá tối thiểu của “khung giá đất”, đã dẫn đến một số căn nhà có vị trí đất thuộc các hẻm sâu (hẻm của hẻm của hẻm, ngách sâu) “bị” tính tiền sử dụng đất cao hơn so với trước đây.
Theo HoREA, về lâu dài nên xem xét bãi bỏ phương thức thu tiền sử dụng đất “kiểu tận thu, thu trước một lần”, mà chuyển thành “sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở”, với thuế suất có thể bằng khoảng 15 - 20% “bảng giá đất”, để giảm nhẹ gánh nặng “tiền sử dụng đất” hiện nay. Đồng thời, bổ sung “thuế bất động sản” theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước.
HoREA cũng nhận định, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai rất lớn, đặc biệt là các nguồn thu sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất đô thị, đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, là nguồn thu thứ cấp, phái sinh từ đất đai.
Khởi công Dự án gần 3.000 tỉ ở vịnh Bái Tử Long
Ngày 24.9, Tập đoàn VinGroup tổ chức lễ khởi công Dự án khu du lịch, dịch vụ, đô thị ven biển, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án do Tập đoàn VinGroup làm chủ đầu tư, được quy hoạch trên tổng diện tích 162 ha, nằm ngay bên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Vingroup khởi công dự án gần 3.000 tỉ bên vịnh Bái Tử Long. |
Trong đó, dự án có tổng diện tích trên 32 ha với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2023, dự án sẽ là khu đô thị kiểu mẫu với đồng bộ các công trình nhà ở, công trình thương mại, dịch vụ, công cộng và tạo quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.
Dự án được kỳ vọng sẽ khai thác tốt các lợi thế sẵn có từ nguồn suối khoáng Quang Hanh, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại TP Cẩm Phả, tạo ra những sản phẩm nghỉ dưỡng độc đáo, đẳng cấp.
Chi 10 tỷ khắc chữ trên đồi
Tỉnh Hòa Bình chi tới 10 tỉ đồng khắc dòng chữ lớn với 11 chữ, tương đương mỗi chữ gần 1 tỉ đồng (có 11 chữ) trên đồi Ông Tượng thuộc phường Trần Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Theo bà Bùi Thị Niềm, công trình lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí đồi Ông Tượng do Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư với tổng số tiền trên 10 tỉ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. "Việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, đấu thầu đã được thực hiện theo đúng quy định. Qua đấu thầu, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Anh Kỳ trúng thầu phần xây lắp có giá trị hơn 10 tỉ đồng" - bà Niềm thông tin.
Hòa Bình chi 10 tỷ làm công trình gắn chữ trên đồi. |
Cũng theo Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình, công trình trang trí tạo cảnh quan ngoài trời có đến 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện, chiếu sáng, chống sét… Trong đó, riêng hạng mục chữ gồm gia công giằng mái thép bằng thép hình, thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, Bulong M16, tấm aluminium…
"Khu vực đồi Ông Tượng là khu vực tập trung các công trình quan trọng của tỉnh, cạnh đó là Công trình Thủy điện Hòa Bình và trụ sở các cơ quan đầu não của tỉnh như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh… Do đó, việc lắp, dựng khẩu hiệu tại khu vực chân đồi Ông Tượng là rất cần thiết và hợp lý" - bà Niềm khẳng định.
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, để đảm bảo an toàn cho công trình Tượng đài phía trên đỉnh đồi, các công trình trụ sở và nhà dân ở phía dưới, đơn vị thi công đã phải tiến hành việc khoan tạo lỗ neo để cắm neo gia cố mái vách ta-luy, lắp dựng ống thép, gia công giằng mái thép, bơm keo xi-măng lỏng… Ngoài ra, do vị trí thi công trình là vách núi cao nên việc vận chuyển các loại vật liệu như cát, sỏi, đá dăm, sắt thép… đều phải làm thủ công.
Bà Niềm cũng khẳng định đây không phải là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17, như thông tin trên một số trang mạng xã hội mà chủ đầu tư và đơn vị thi công mong muốn sẽ hoàn thành công trình vào đúng dịp đặc biệt này (Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 3/10).