Tiktoker Xe lăn Vlog xin lỗi công khai sau khi bị xử phạt hành chính
Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội vào cuộc vụ tố chủ quán 'đuổi khách ngồi xe lăn' Chàng trai 8X "biến" chiếc xe lăn thành bạn đồng hành đi muôn nơi |
Biên bản Quyết định số 15/QĐ-XPVPHV của Sở TT&TT Tp Hà Nội ngày 19/4/2024 nêu rõ, ông V.V.N đã có hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Cụ thể, ngày 12/1/2024, ông V.V.N đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân có tên Vũ Minh Lâm (Xe lăn Vlog) đăng tải bài viết "Mình bị đuổi khỏi quán vì...ngồi xe lăn" đăng tải trên mạng xã hội facebook Vũ Minh Lâm (Xe lăn Vlog) có nội dung "mình bị đuổi khỏi quán", "ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?", "không bán được, đã thế thì tôi đứng" là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hộ gia đình, gây bức xúc dư luận về việc kỳ thị đối với người khuyết tật, vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Tiktoker Xe Lăn Vlog trong buổi làm việc với Thanh tra Sở TT&TT Tp Hà Nội |
Sở TT&TT TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt ông V.V.N số tiền 5.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm triệu đồng).
Đại diện Sở TT&TT cho biết: “Đối với trường hợp của ông V.V.N, Sở đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính do ông V.N.N đã có phương án ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả (gỡ bỏ bài viết vi phạm nêu trên) và là người khuyết tật”. Ông N đã chấp hành quyết định và cam kết sẽ thực hiện theo các điều đã nêu trong văn bản.
Cùng ngày nhận quyết định xử phạt, chủ sở hữu kênh Xe lăn Vlog cũng đã đến xin lỗi bà chủ quán phở tại phố Nam Ngư, bày tỏ sự hối hận và mong được bà tha thứ.
Theo lời ông V.V.N, người phụ nữ đã thông cảm và tha thứ cho N sau những sai lầm đã xảy ra. Tiktoker này cũng đã đăng tải lời xin lỗi đến cộng đồng thông qua trang Facebook cá nhân. Ông N cho biết, “đã nhận thức sâu sắc về sự yếu kém và thiếu hiểu biết của mình trong việc xử lý vấn đề” và mong cộng đồng bao dung, cho mình có cơ hội sửa sai và cải thiện bản thân".
Ông V.V.N đã đến xin lỗi bà chủ quán phở nơi xảy ra vụ việc ồn ào "đuổi khách ngồi xe lăn" trước đó |
Tuy nhiên, dưới bài đăng của ông V.V.N, cộng đồng mạng vẫn chia ra những luồng ý kiến khác nhau về lời xin lỗi của N. Có người cho rằng “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, nên tha thứ và cho ông N cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Nhưng rất nhiều người cho rằng Tiktoker này đang “tẩy trắng” vụ việc, “không kiếm tiền trên mạng được” nên mới quay ra xin lỗi. Nhiều bình luận còn chỉ trích, cho rằng ông N gây ra vụ việc đã lâu nhưng tại sao đến giờ mới nhận trách nhiệm trước pháp luật và công khai xin lỗi nạn nhân?
Trong bối cảnh pháp luật, tự do ngôn luận và quyền tự do diễn đạt ý kiến của công dân được bảo vệ. Công dân có quyền sử dụng mạng xã hội và thực hiện việc truyền tải trực tiếp thông tin. Tuy nhiên, hành vi thiếu minh bạch và thông tin không chính xác có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khi được lan truyền.
Bài đăng gây tranh cãi trước đó của Xe Lăn Vlog thậm chí còn được cộng đồng mạng "khui" ra bằng chứng đã sao chép content quảng cáo của một nhà sáng tạo nội dung khác. |
Vụ việc của Tiktoker Xe lăn Vlog là lời cảnh báo với các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội trong thời điểm hiện nay. Việc “đói content” (thiếu ý tưởng sáng tạo) đã khiến nhiều người làm nội dung sẵn sàng quay chụp, cắt ghép và “dựng” kịch bản tình huống gây tranh cãi... để thu hút người xem, tăng tương tác kiếm tiền cho kênh.
Tình trạng “content bẩn” lan tràn đã không phải là một điều hiếm gặp, thậm chí có phần “nhan nhản” trên các nền tảng. "Nội dung bẩn" không chỉ là vấn đề của cộng đồng mạng, mà còn là một "virus" tác động tiêu cực đối với xã hội, đòi hỏi sự hợp tác và đồng thuận từ cộng đồng mạng, cơ quan quản lý, và các nền tảng mạng xã hội. Để kiểm soát "virus nội dung bẩn," người dùng cần chấp nhận trách nhiệm và sử dụng tính năng "Báo cáo" khi phát hiện nội dung không lành mạnh. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, và người dùng mạng xã hội.
Vì vậy, cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của công dân, để người dùng mạng xã hội hiểu mạng có thể là ảo nhưng hậu quả và trách nhiệm là "hàng thật, giá thật", tránh để những sự việc "ảo" đi quá xa, để rồi không thể "quay đầu về bờ".