Thương mại hóa để đề tài nghiên cứu khoa học không “cất vào ngăn tủ”

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng, cần mạnh dạn có cơ chế cho phép các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu của mình thông qua các hoạt thương mại hóa kết quả nghiên cứu, từ đó tạo động lực thực chất cho hoạt động nghiên cứu, đảm bảo các kết quả nghiên cứu này có tính ứng dụng trong thực tiễn, tránh tình trạng chỉ để “cất vào ngăn tủ”...
Muốn tăng trưởng 8% thì phải dựa vào khoa học, công nghệ Thủ tướng: Chấp nhận rủi ro để tạo đột phá khoa học, công nghệ Tổng Bí thư: Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi trúng sẽ thắng lợi

Ngày 15/2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thảo luận tại tổ 2 (đoàn TP HCM), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, không nên chỉ giới hạn ở các tổ chức khoa học công lập như viện nghiên cứu mà cần mở rộng sang cả các trường đại học công lập, bệnh viện hay doanh nghiệp bởi các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Thương mại hóa để đề tài nghiên cứu khoa học không “cất vào ngăn tủ”
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết đang được quy định rất rộng, tuy nhiên lại chưa rõ ràng, cần giải thích rõ cụm từ “tổ chức khoa học, công nghệ công lập” gồm những tổ chức nào, có bao gồm các trường đại học hay không, bởi nếu theo quy định hiện tại, tổ chức khoa học, công nghệ công lập chỉ gồm có các viện hàn lâm, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu công lập.

“Trong khi đó ở Việt Nam, riêng khối công lập, các trường đại học chiếm khoảng 65-70% năng lực nghiên cứu của cả nước, với nguồn lực trình độ tiến sĩ, giáo sư và cả trang thiết bị nghiên cứu đầy đủ. Nếu chúng ta không áp dụng với các trường đại học công lập thì vô cùng lãng phí”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Cùng với đó, để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đại biểu đề xuất, cần có chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập tăng thêm cho các doanh nghiệp, bệnh viện và cá nhân (như giảng viên đại học, bác sĩ) tham gia hoạt động nghiên cứu.

Thương mại hóa để đề tài nghiên cứu khoa học không “cất vào ngăn tủ”
Đại biểu Phan Văn Mãi.

Cũng quan tâm đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo nghị quyết, theo đại biểu Phan Văn Mãi, cần áp dụng rộng rãi, không chỉ đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập như viện, trường mà còn nên bao gồm cả các doanh nghiệp có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết cần được mở rộng, với các cơ chế thật thông thoáng để có thể huy động toàn bộ năng lực quốc gia để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết cần có cơ, chế chính sách để khuyến khích đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, mạnh dạn có cơ chế cho phép các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu của mình thông qua các hoạt thương mại hóa kết quả nghiên cứu, từ đó tạo động lực thực chất cho hoạt động nghiên cứu, đảm bảo các kết quả nghiên cứu này có tính ứng dụng trong thực tiễn, tránh tình trạng chỉ để “cất vào ngăn tủ”...

"Nếu kết quả nghiên cứu khoa học sau khi thương mại hoá được 500 tỷ đồng thì anh được hưởng 300 tỷ đồng, 200 tỷ đồng còn lại anh trả lại cho nhà nước và số tiền này đóng góp vào quỹ phát triển khoa học công nghệ của đơn vị đó, của tỉnh thành đó, của Trung ương…”, ông Mãi nói.

Cũng liên quan đến việc quản lý và sử dụng kết quả nghiên cứu, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần có quy định rõ ràng về việc quản lý, sử dụng và thương mại hóa các tài sản, kết quả nghiên cứu do các đơn vị công lập chủ trì.

Cụ thể, sau khi nghiên cứu xong, các tài sản và kết quả này cần được coi là tài sản công và đơn vị chủ trì không cần thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp, nhưng phải làm biên bản ghi nhận đã tiếp nhận tài sản để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình quản lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động