Thủ tướng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu

Bộ Công thương được yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát...
Đại gia xăng dầu một thời bị ngân hàng siết nợ Các “ông lớn” cam kết cung ứng đủ xăng dầu dịp Tết

Đây là một trong những nội dung được nêu trong văn bản 51/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 3/2024 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu
Ảnh minh họa.

Về lĩnh vực điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng được yêu cầu khẩn trương xây dựng giá điện khí, điện gió, điện mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phú trong quý II/2024.

Trong thông báo kết luận, Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong năm 2024 thực hiện tốt vai trò bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế về điện, xăng dầu, khí đốt.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

Hậu Lộc
Phiên bản di động