Thủ tướng: Xử nghiêm ghìm giá, không chịu xuất lợn tạo sốt ảo để trục lợi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện lợn vẫn đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu, chứ không có chuyện thiếu thịt lợn, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi từ vấn đề này.
Bộ trưởng Nông nghiệp: Thực phẩm cho dịp Tết rất dồi dào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo sự bứt phá cho các doanh nghiệp Nhà nông trẻ với các giải pháp cho phát triển nông nghiệp bền vững

Chiều 23/12, dự Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai kế hoạch 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc chủ động thực hiện quyết liệt phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, giữ được 25 triệu con lợn, đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu, chứ không có chuyện thiếu thịt lợn; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi.

"Lạm phát tâm lý rất quan trọng, nếu như chúng ta cứ nói mãi thiếu lợn thì tự nhiên lạm phát về tâm lý giá lợn càng tăng cao", Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi nào ghìm giá, không chịu xuất lợn tạo sốt ảo để trục lợi.

"Cần xử lý việc phao tin đồn nhảm về việc thiếu thịt lợn vì không thiếu nhiều, nếu cần thiết nhập vài nghìn tấn nữa để giảm giá xuống. Rất đáng mừng đến hôm nay, từ 90.000 đồng/kg heo hơi xuống còn 80.000 - 82.000 đồng/kg và tiếp tục giảm trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi; hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với những biến động gây bất lợi lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt ¾ chỉ tiêu theo kế hoạch, đồng thời, mở ra những vận hội lớn cho tăng tốc phát triển trong năm 2020.

thu tuong xu nghiem ghim gia khong chiu xuat lon tao sot ao de truc loi
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành nông nghiệp

Các chỉ tiêu lớn của ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2019 gồm: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 của nước ta ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).

Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột thương mại ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, một số thị trường (nhất là Trung Quốc) áp dụng chặt các quy định về nhập khẩu nông thủy sản từ Việt Nam, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10 - 15%... Tuy nhiên cả năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực kết quả của toàn ngành nông nghiệp, các cấp ủy chính quyền địa phương, nông dân, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém của ngành cần phải khắc phục như: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến; công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch năm đề ra (đạt 86,1%), nhất là vốn ODA...

Để khắc phục những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn ngành nông nghiệp phấn đấu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD. Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình đạt 3-3,5%, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới.

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt là việc coi chế biến hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần giữ chất lượng và chữ tín cho các mặt hàng nông sản ở những thị trường như châu Âu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cơ chế chính sách nông nghiệp cần được tháo gỡ về vốn, đất đai, đầu ra cho sản phẩm; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp phải quản lý chặt chẽ giá cả đầu vào vật tư nghiệp để giảm giá thành sản xuất; đồng thời, tiếp thu nền nông nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là việc quan tâm tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng thực hành, chương trình khởi nghiệp ở các trường đại học, thu hút nhân tài; cán bộ ngành nông nghiệp phải là cán bộ giỏi, tận tụy, chuyên môn giỏi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, từ quy hoạch đến triển khai nhằm hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Diệp Anh
Phiên bản di động