Quảng Nam

Thu hồi dự án ‘treo’, chậm tiến độ và có dấu hiệu vi phạm là cần thiết

Nhiều dự án tại Quảng Nam không triển khai, triển khai chậm, xin giãn tiến độ do không huy động được vốn; chưa hoàn thành hạ tầng và thủ tục pháp lý, doanh nghiệp đã chia lô bán rầm rộ trên thị trường, khiến môi trường đầu tư của tỉnh này đang dần trở lên “méo mó”.    
Bảo hiểm PVI Đà Nẵng từ chối chi trả bồi thường cho 73 hộ dân tại Quảng Nam Quảng Nam: Có thêm dự án Du lịch sinh thái trăm tỷ ở Đông Giang Quảng Nam: Công ty Kỳ Hà - Chu Lai có bao nhiêu thửa đất “dính” sai phạm sau cổ phần hóa? Quảng Nam thanh tra việc bán "đất vàng" cho vợ nguyên Bí thư tỉnh ủy Bài 20 – Quảng Nam: Lãnh đạo tỉnh nói gì với 1000 người dân đi đòi sổ đỏ Quảng Nam: Khai thông sông Cổ Cò sẽ đánh thức các dự án đang ngủ quên
thu hoi du an treo cham tien do va co dau hieu vi pham la can thiet
Nhiều dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã bán hết

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Từ một tỉnh xếp vào loại nghèo nhất nước năm 1997, Quảng Nam bứt tốc trở thành một trong 15 địa phương có đóng góp nguồn thu cho ngân sách Trung ương, năm 2018 thu đạt hơn 21.000 tỷ.

Được coi là địa phương có môi trường đầu tư khá thông thoáng hấp dẫn, cộng với những lợi thế đặc thù sẵn có, Quảng Nam đã thu hút được nguồn lực đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư của địa phương này. Những hạn chế hầu hết đến từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng… không có năng lực thực sự khiến nhiều dự án “đắp chiếu” không triển khai, hoặc triển khai cầm chừng; dự án xin gia hạn, điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không triển khai, chủ đầu tư dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật… khiến sau hàng chục năm xây dựng khu đô thị, khu dân cư giờ vẫn chỉ là những bãi cỏ hoang. Trong khi, người nông dân thì không có đất sản xuất.

Trong đó, phải kể đến các dự án do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư. Mặc dù năng lực mọi mặt đều hạn chế, nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn giao hàng loạt các dự án tại KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc (TX Điện Bàn) cho doanh nghiệp này, chủ yếu là các dự án bất động sản (phân lô bán nền). Không những các dự án chậm tiến độ do năng lực tài chính hạn chế, mà doanh nghiệp còn có dầu hiệu vi phạm pháp luật về huy động vốn trái phép, chuyển nhượng khi dự án chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hậu quả, là hàng ngàn người dân mua đất có nguy cơ không lấy được sổ đỏ, nhiều lần tập trung đông người trước trụ sở UBND tỉnh kêu cứu và tố doanh nghiệp lừa đảo, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư, cũng như ảnh hưởng tới uy tín của lãnh đạo địa phương. Hiện doanh nghiệp này đã bị Thanh tra tỉnh Quảng Nam tiến hành thanh tra toàn diện, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện vẫn chưa có kết luận thanh tra.

Việc chủ đầu tư các dự án bất động sản tại Quảng Nam bán đất theo hình thức huy động vốn, đặt chỗ…trong khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định, đã khiến thị trường bất động sản của Quảng Nam trong thời gian qua trở lên bát nháo, làm giả cả văn bản của UBND tỉnh để thổi giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực, khiến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản.

Năm 2012, Công ty TNHH Chí Thành (Công ty Chí Thành) được giao đất để xây dựng khu đô thị số 6 Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, nhưng đến 2016 dự án này vẫn nằm im trên giấy. UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần thúc giục chủ đầu tư triển khai, nhưng Công ty này vẫn “chây ì”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần cân nhắc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện được theo yêu cầu của UBND tỉnh.

thu hoi du an treo cham tien do va co dau hieu vi pham la can thiet
Quảng Nam kiên quyết thu hồi các dự án ‘treo’, chậm tiến độ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật là việc làm cần thiết

Ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, Công ty Chí Thành đã sử dụng bìa đỏ của nhà nước giao để đi thế chấp vay vốn ngân hàng, đến khi đáo hạn không trả được, ngân hàng đã tổ chức mua bán nợ xấu, khi đó, Công ty Dana Home Land mới mua lại khoản nợ xấu 27ha. Phần còn lại đã đôn đốc từ năm 2012 đến năm 2016 chủ đầu tư vẫn không thực hiện. Điều đó chứng tỏ, Công ty Chí Thành không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Do vậy, vào tháng 12/2016, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi một phần dự án làm quỹ đất đối ứng khi triển khai tuyến đường đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho một doanh nghiệp khác thực hiện. Việc thu hồi dự án đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam vẫn kiên quyết thu hồi.

Ông Nguyễn Đạt cũng cho rằng, việc UBND tỉnh thu hồi dự án của Công ty Chí Thành là cần thiết, nếu không thu hồi cứ để dự án trì trệ kéo dài, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Điện Bàn, cũng như đời sống, sản xuất của nhân dân trong vùng dự án, gây lãng phí tài nguyên.

Đó mới chỉ là ví dụ 2 trong nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Quảng Nam đang có tình trạng tương tự. Ôm đất dự án để đó, tổ chức khởi công rầm rộ rồi “treo” cả chục năm chờ giá bất động sản lên tiến hành chuyển nhượng, hoặc ì ạch triển khai để đối phó, khiến người dân vùng dự án đi không được, ở không xong, làm xáo trộn đời sống, sản xuất gây bất bình trong nhân dân và kìm hãm sự phát triển của địa phương.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều động thái nhằm xiết chặt việc quản lý các dự án đầu tư trên địa bản tỉnh, đặc biệt đối với các dự án bất động sản, tái định cư tại TX Điện Bàn và Vùng Đông của tỉnh này.

Việc kiên quyết thu hồi các dự án ‘treo’, chậm tiến độ, chủ đầu tư dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật là việc làm cần thiết của Quảng Nam, nhằm loại bỏ những chủ đầu tư không có năng lực, có dấu hiệu “ăn xổi”, “tay không bắt giặc”, không có tầm, có tâm để trả lại môi trường đầu tư công khai, minh bạch, tạo sự công bằng thực sự cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương.

N.Dương
Phiên bản di động