Thống đốc: Tin đồn thất thiệt tác động rất mạnh tới hoạt động của các ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành TPBank: Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, ráo riết huy động trái phiếu |
Chiều 28/10, giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội về điều hành lãi suất, tín dụng và tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá bối cảnh năm 2022 biến động lớn và có nhiều khó khăn hơn so với những đánh giá vào cuối năm 2021.
Cuối năm 2021, trên thế giới có nhiều ý kiến cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời nhưng đến giờ, xu hướng lạm phát kéo dài hiển hiện ở khắp các nước trên thế giới. Thống kế cho thấy khoảng 80 nước trên thế giới đang có mức lạm phát từ hai con số trở lên.
Theo Thống đốc, để ứng phó với lạm phát, ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đã tăng lãi suất mạnh và nhanh hơn dự kiến. Đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần tăng lãi suất mục tiêu và chỉ dẫn sẽ tiếp tục tăng ở mức cao khoảng 4,5 - 4,7% vào giữa năm 2023.
Mặt khác, đồng Đô la Mỹ tăng cao và làm cho đồng tiền trên thế giới và khu vực mất giá mạnh, nhiều đồng tiền mất giá khoảng 10 - 30%. Dự trữ ngoại hối Nhà nước của các nước đều suy giảm mạnh, ước tính dự trữ của các nước giảm đến 1.000 tỷ USD. Những diễn biến này đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Trong nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… diễn biến phức tạp và tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ - có thể nói là đa mục tiêu, nhiều mục tiêu thậm chí chồng chéo nhau.
Ngay cả trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, nhiệm vụ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là phải điều hành chính sách tiền tệ để cố gắng giảm được lãi suất từ 0,5 đến 1% trong 2 năm 2022 - 2023.
"Đây là nhiệm vụ thực sự khó khăn trong bối cảnh này", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong 9 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ và điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ với liều lượng vào các thời điểm hợp lý. Qua đó đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 9 tháng là 2,73%, và cả năm 2022 ước đạt dưới 4%. Đây là mức thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.
Về tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đã tăng trên 11%; so với cùng kỳ 2021, tín dụng tăng đến 16 - 17% là mức rất cao. Đây cũng là một yếu tố góp phần cho tăng trưởng kinh tế chúng ta đạt ở mức dự kiến 8% cho cả năm nay và là mức đáng ghi nhận so với tăng trưởng kinh tế thấp của các nước trên thế giới và trong khu vực.
Đối với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi sát và điều hành cho phép linh hoạt ở mức độ phù hợp trong tổng thể với tất cả các công cụ khác để ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong 9 tháng năm 2022, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được điều tiết tốt và thậm chí có dư thừa. Mặt bằng lãi suất tuy không giảm, nhưng chỉ tăng từ 0,3 - 0,4% so với cuối năm trước. Đây là một diễn biến phù hợp với bối cảnh chung của quốc tế.
Tuy nhiên, sang tháng 10/2022, thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động rất mạnh. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là do tác động bởi tâm lý kỳ vọng. Đặc biệt, trên thị trường cũng có những thông tin không đúng sự thật, tác động rất mạnh đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như những diễn biến, đặc biệt là trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tăng cao.
Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp trong công tác điều hành. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động, linh hoạt, đánh giá và xác định trọng tâm, trọng điểm trong thời gian này, đó là phải làm thế nào đảm bảo ổn định được hoạt động của hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcnhấn mạnh, trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ, chúng ta luôn cần đánh giá, xác định những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Nhưng mục tiêu xuyên suốt vẫn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, trong ngắn hạn có thể cần phải lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu. Ví dụ, để ổn định thị trường ngoại hối chúng ta phải chấp nhận tỉ giá, lãi suất tăng lên. Đối với doanh nghiệp, khi lãi suất tăng có thể ảnh hưởng một chút đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, với sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, chúng ta sẽ có điều kiện để tăng tốc, phát triển hơn. Hoặc đối với tín dụng, nếu nới room tín dụng thì sẽ áp lực đối với thị trường tỉ giá và ngoại hối. Thực tế, nếu vừa qua Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng room tín dụng, thì trước những diễn biến tháng 10 sẽ gây khó khăn đến thanh khoản, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng.