Thiêng liêng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam bay trên nóc dinh Độc Lập, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, trở thành biểu tượng cho ý chí, khát vọng hòa bình và thống nhất non sông của Nhân dân Việt Nam.
Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông" Hồi ức ngày hội non sông…

Cây cầu mang sứ mệnh lịch sử

Đã 49 năm non sông liền một dải, nhưng đối với những người cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thời khắc lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam bay trên nóc dinh Độc Lập vào 11h30 phút ngày 30/4/1975 sẽ mãi là ký ức không thể nào quên.

Để có được khoảnh khắc thiêng liêng ấy, quân và dân ta đã phải trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Bắt đầu từ tháng 7/1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ. Với Hiệp định này, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Song, với âm mưu xâm lược và chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ đã biến sông Bến Hải từ một dòng sông hiền hòa, thơ mộng trở thành ranh giới, chi cắt giữa 2 miền Nam – Bắc. Từ đây, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải mang trên mình sứ mệnh lịch sử và là chứng tính của một cuộc chiến oai hùng, trở thành biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, sum họp, đoàn tụ của biết bao gia đình và toàn dân Việt Nam.

Nơi đây diễn ra cuộc "đấu loa" giữa ta và địch suốt từ năm 1954-1964. Theo Hiệp định Giơnevơ, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát: đồn Hiền Lương, Cửa Tùng (bờ Bắc), đồn Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam), thường gọi là Đồn Liên hợp. Chính tại những đồn Liên hợp này đã diễn ra những “cuộc chiến âm thanh” căng thẳng giữa cảnh sát Sài Gòn và công an ở bờ Bắc. Hai bên giới tuyến đều được trang bị các giàn loa công suất lớn, phát thanh hàng ngày. Bên bờ Nam liên tục phát đi những lời nói xuyên tạc chế độ miền Bắc, nhằm chia rẽ tình cảm hai miền, lung lạc ý chí của nhân dân các vùng lân cận.

Khát vọng thống nhất non sông

Cầu Hiền Lương (1956-1964) phía bờ Bắc với những khẩu hiệu thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc (Ảnh: BTLSQG)

Không chịu thua, bên ta đã lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m được đặt trên xe lưu động tại đầu cầu Hiền Lương. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km. Mỗi ngày 24/24 giờ, hệ thống loa này phát đi chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, các chương trình ca nhạc, ngâm thơ, nói vè, kịch, dân ca, chương trình của Đội truyền thanh lưu động…. rất hấp dẫn, được bà con hai bên bờ sông Bến Hải ưa thích. Một số bài thơ, ca cổ do các nghệ sĩ nổi tiếng của miền Bắc thể hiện được nhiều binh sĩ địch "thuộc lòng"!. Cây cầu Hiền Lương cũng là chứng tích của cuộc chiến "chọi cờ" khốc liệt của 2 bên ta và địch trong giai đoạn từ năm 1954 - 1967.

Thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chủ trương ngoại giao là một mặt trận quan trọng, phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị để đấu tranh với Mỹ, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Năm 1968, đàm phán tại Hội nghị Paris chính thức được mở ra. Cục diện “vừa đánh, vừa đàm” kéo dài gần 5 năm với 201 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng. Đây thật sự là những cuộc đấu trí cam go, quyết liệt nhằm từng bước chuyển hóa thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán.

Khát vọng thống nhất non sông

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Pari (Ảnh tư liệu)

Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, thể hiện sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thấm đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở nước ta.

Sau Hiệp định Paris, nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước” hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhận thấy quân Mỹ khó có khả năng quay lại tham chiến tại miền Nam và nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, đồng thời chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu.

“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nhụy nhào”

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng thời cơ, thực hiện chủ trương đề ra, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bắt đầu từ ngày 4/3/1975 với chiến thắng mở đầu Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, chiến thắng ở Tây nguyên, chiến thắng Trị Thiên - Huế, chiến thắng Đà Nẵng và miền Trung Trung Bộ đã làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh giữa ta và địch. Quân ngụy Sài Gòn không những không có khả năng lấy lại các vùng đã mất mà còn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Khát vọng thống nhất non sông
Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

Từ 26-28/4 ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Bà Rịa...; cắt đứt hoàn toàn đường 4 từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây, chế áp, làm tê liệt các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.

Ngày 29/4, ta tiêu diệt các tập đoàn phòng ngự chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven, đánh chiếm các căn cứ Nước Trong, Long Bình, Thành Tuy Hạ, Đồng Dù, Hậu Nghĩa...

Sáng 30/4, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát....; 11 giờ 30 phút, quân ta chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Khát vọng thống nhất non sông
Khoảnh khắc xe tăng của quân đội ta tiến vào Dinh Độc Lập (Ảnh tư liệu)
Chỉ 5 ngày quyết chiến chiến lược (từ 26-30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm tan rã toàn bộ chính quyền, quân đội, cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến các địa phương còn lại ở miền Nam, gồm trên 45 vạn quân; tịch thu 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng các loại, 3.000 xe quân sự cùng nhiều kho tàng, dự trữ chiến tranh tích lũy trong 20 năm; toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự còn lại của Mỹ ở Việt Nam phải rút chạy.

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng toàn bộ miền Nam Việt Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Chiến dịch vĩ đại ấy được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Thái Sơn
Phiên bản di động