Hồi ức ngày hội non sông…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng có thời gian hơn 10 năm cầm súng, tham gia chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt. Qua lời kể của ông, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi lại hồi ức của nhà văn về không khí của ngày hội non sông (30/4/1975) .
Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Nối liền Việt Nam” kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước Cử tri cả nước tưng bừng ngày hội non sông Hà Nội rực rỡ chào mừng ngày thống nhất đất nước

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng có thời gian hơn 10 năm cầm súng, tham gia chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt. Từng trải qua vô vàn khoảnh khắc đau thương trước sự hy sinh của đồng đội và cả tâm trạng hân hoan với bao trận thắng nhưng với ông, giây phút quân đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn và Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng mới thực sự là “tột cùng của hạnh phúc”.

Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi lại lời kể của nhà văn Nguyễn Văn Thọ qua hồi ức của ông về ngày hội thống nhất non sông 30/4/1975.

“Tôi tình nguyện nhập ngũ tháng 7/1965 - khi vừa tròn 16 tuổi theo lời khuyên của cậu tôi (tức bố). Thời gian đầu, đa số ở chiến trường miền Bắc. Sau đó, khi miền Bắc tạm yên tiếng súng thì tôi đi B, thuộc quân số của Đại đội 59, Tiểu đoàn 22, Trung đoàn 593. Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn, đơn vị tôi có nhiệm vụ tham gia đánh trận Buôn Ma Thuột. Khi giải phóng xong Ban Mê Thuật, chúng tôi đánh tiếp trận Cheo Reo, Phú Bổn.

Đêm 28/4/1975, đơn vị tiến vào ấp Hố Bò, chuẩn tiến vào Sài Gòn. Mưa như trút nhưng đoàn hành quân dày đặc, đan như mắc cử. Vui lắm! Đi đánh trận mà không nghĩ là đánh trận. Các tốp lính cứ vẫy chào nhau: “Này, Hà Nội à, Quảng Ninh à, Thái Bình à…” rồi ném cho nhau chiến lợi phẩm là những bao thuốc lá.

Đêm đó, tôi và anh Hội, người Đông Anh (Hà Nội) nói chuyện với nhau. Chúng tôi, lúc đó ai cũng biết rằng, đây là trận đánh cuối cùng. Người lính suốt cả cuộc chiến không ai nghĩ đến sự sống - cái chết nhưng ở trận cuối cùng lại hay nghĩ về cái chết. Không biết mình còn sống để trở về sau trận chiến này không?

Hồi ức ngày hội non sông…
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Ngày 29/4/1975, Đại đội tôi đánh vào Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Căn cứ Đồng Dù được quân đội Việt Nam cộng hòa ví như “cánh cửa thép” mà ta phải đập tan để thọc sâu vào nội đô Sài Gòn. Theo chiến thuật, ta bao vây từng cứ điểm. Quân đoàn 3 bao vây toàn bộ căn cứ Củ Chi. Xe tăng được lệnh tiến thẳng vào khu vực Bệnh viện Vì Dân. Xe tăng đi tới đâu, bọn lính ngụy dãn ra tới đó.

Đêm 29/4, tại căn cứ Đồng Dù, đạn nhằng nhịt bay lên trời khiến người ta có cảm giác đốt một đống củi mà tàn lửa nó bay lên đỏ rực. Chúng tôi đánh liên tục đến khi vào được Bệnh viện Vì Dân. Lên đến đường nhựa thì gần sáng, bỗng một cảm giác nhớ nhà khôn tả vì nhìn thấy đường nhựa là nhớ đến Hà Nội. Rồi khoảnh khắc đó thoáng qua…

Gần trưa 30/4/1975, khi chúng tôi tiến vào đến trung tâm thành phố, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Sung sướng, tôi bắn liên tục hết một băng đạn lên bầu trời. Đấy là loạt súng cuối cùng trong cuộc đời lính của tôi, không phải vì chiến đấu mà là sự ăn mừng vì còn sống, vì hòa bình thật sự đây rồi…

Hồi ức ngày hội non sông…

Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Đêm thống nhất đầu tiên, tôi cùng đồng đội uống hết 3 két bia. Sau đó, chúng tôi ôm tay súng, ngủ trên xe Jeep ngon lành. Sau bao nhiêu đêm thức trắng hành quân và chiến đấu, đó là giấc ngủ đầu tiên trong hòa bình của tôi, chấm dứt 11 năm cầm súng.

Tỉnh dậy, trời đã sáng. Tôi lái xe Jeep vào trung tâm. Máy truyền tin của quân lính ngụy vứt đầy dọc đường. Sài Gòn đẹp lạ lùng. Nhiều người dân đổ ra đường đón chúng tôi, trong đó có các thiếu nữ tươi xinh trong chiếc áo dài trắng. Họ mang theo bánh mì phát cho quân giải phóng. Những khuôn mặt hân hoan, rạng ngời. Tôi còn đùa vui, nắm lấy tay một cô gái: “Anh không lấy bánh mì. Anh là trai Hà Nội đây”…

Quân ta đội ta tiếp quản, Sài Gòn nhanh chóng lập lại trật tự. Khoảnh khắc ấy, tôi còn nhìn thấy trên đường có một bát cua, bên trong đó cua bể vàng ươm. Hình như ai đó, thấy quân giải phóng vào thì vứt luôn cái bát đó ùa ra. Hình ảnh đó khiến tôi lại nhớ đến mợ (mẹ) tôi. Vì ngày xưa, mợ rất hay làm món cua bể như vậy. Tôi chỉ muốn hét lên thật to: “Cậu mợ ơi, con sống rồi…”.

Hồi ức ngày hội non sông…

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (Ảnh tư liệu TTXVN).

Mỗi dịp 30/4, ký ức lại ùa về. Ngày ấy, chúng tôi là những trai trẻ đôi mươi, sẵn sàng ra trận và cũng chẳng hẹn ngày về. Lòng cuồn cuộn, sục sôi ý chí đánh tan giặc vì dân tộc. Cùng với tinh thần bất khuất của cả dân tộc, chúng ta đã thực hiện đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thế hệ chúng tôi tự hào vì đã đóng góp một phần công sức, xương máu để non sông liền một dải”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tốt nghiệp trường cấp III Trưng Vương năm 1965. Tháng 7/1965, ông gia nhập quân đội, biên chế thuộc Trung đoàn cao xạ 220 bảo vệ Hà Nội. Năm 1968, Nguyễn Văn Thọ đi B (miền Nam), trực thuộc Mặt trận 968, sau là 559. Từ năm 1972, ông thuộc E.593 (Trung đoàn cao xạ) trực thuộc F320, Mặt trận Tây Nguyên với cấp hàm Chuẩn úy, tham gia chiến đấu tại miền Bắc, Nam Lào và miền Nam.

Ông từng đoạt giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 - 2009 (Tiểu thuyết "Quyên”). Tiểu thuyết này sau đó được dựng thành phim “Quyên”. Ông cũng được nhiều người biết đến với các truyện ngắn: Cõi ảo, Phố cũ, Vàng xưa…

Bảo Phương (ghi)
Phiên bản di động