Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông"

Trong tháng thanh niên năm 2024, tuổi trẻ huyện Thường Tín đã có nhiều hoạt động nêu cao tinh thần cách mạng của địa phương bằng hành trình "Tự hào một dải non sông".
Tuổi trẻ huyện Thường Tín triển khai hàng loạt hoạt động ý nghĩa

Hưởng ứng cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, thời gian qua, Huyện đoàn Thường Tín (Hà Nội) đã trao những tấm bản đồ Tổ quốc tới những "địa chỉ đỏ" thiêng liêng tại địa phương này.

Địa điểm đầu tiên nhận được tấm bản đồ "Tự hào một dải non sông" là đình làng Trần Phú (xã Minh Cường), nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ nhất hồi năm 1947.

Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông"
Đình làng Trần Phú (xã Minh Cường) là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ nhất hồi năm 1947.

Được biết, Thường Tín đã sớm có phong trào cách mạng và các tổ chức yêu nước lần lượt được thành lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Thường Tín (ngày 23/9/1945), chỉ sau 2 năm, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng huyện, phong trào cách mạng ở Thường Tín phát triển rộng khắp của các chi bộ đảng và số lượng đảng viên.

Trước tình hình đó, cuối năm 1947, Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ huyện được tổ chức và Đảng bộ huyện được thành lập tại đình làng Trần Phú (xã Minh Cường). Từ đó tới nay, Đảng bộ huyện Thường Tín trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thường Tín.

Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông"
Huyện đoàn Thường Tín (Hà Nội) đã trao tấm bản đồ Tổ quốc tới đình làng Trần Phú (xã Minh Cường).

Phát biểu tại lễ trao bản đồ, đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Huyện đoàn Thường Tín xúc động cho biết, cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” được triển khai với mục đích nhằm tăng cường giáo dục lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền quốc gia, dân tộc, tuyên truyền, tổ chức để đoàn viên, thanh thiếu nhi treo bản đồ Việt Nam tại nơi học tập, lao động, làm việc.

"Với việc trao bản đồ Tổ quốc cho tuổi trẻ xã Minh Cường để đặt tại đình làng Trần Phú - nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ nhất, chúng tôi rất mong muốn các bạn trẻ thêm hiểu biết về truyền thống quê hương, qua đó càng hăng hái lao động, sản xuất để đưa Thường Tín trở thành địa phương phát triển về mọi mặt", đồng chí Lê Đức Thọ chia sẻ.

Đồng thời, Huyện đoàn Thường Tín cũng trao tặng bản đồ Tổ quốc tới Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Nghiêm Xuyên. Đây là địa chỉ quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng, ghi dấu sự kiện Bác Hồ động viên Nhân dân chống hạn năm 1963.

Cụ thể, vào năm 1963, miền Bắc gặp phải một đợt hạn hán kéo dài gây khó khăn cho công tác sản suất nông ngiệp. Cũng như nhiều địa phương khác, các công trình thủy lợi ở xã Nghiêm Xuyên không phục vụ kịp thời cho sản xuất, trong khi đó vụ đông xuân đang chuẩn bị đến thời vụ gieo cấy.

Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông"
Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân xã Nghiêm Xuyên năm 1963 (ảnh chụp lại)

Để khắc phục khó khăn, làm lúa cho kịp thời vụ, Nhân dân Nghiêm Xuyên (lúc bấy giờ là xã Dũng Tiến) đã huy động toàn bộ sức dân vào việc chống hạn để cấy lúa và đạt được những kết quả cao.

Với thắng lợi to lớn đó, cán bộ và Nhân dân Nghiêm Xuyên vô cùng phấn khởi, tự hào được Đảng, Bác Hồ, các đồng chí cơ quan lãnh đạo tỉnh Hà Đông (cũ), huyện Thường Tín về thăm, nói chuyện và tuyên dương thành tích của Nhân dân xã nói riêng và Nhân dân toàn tỉnh Hà Đông nói chung về công tác chống hạn tại Hội nghị chống hạn tỉnh Hà Đông.

Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông"
Thanh niên huyện Thường Tín tưởng nhớ công lao của Bác

Ngày 30/1/1963, để động viên Nhân dân chống hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện tại nhiều nơi, trong đó có làng Cống Xuyên, xã Quyết Tiến (nay là xã Nghiêm Xuyên).

Tại buổi nói chuyện có gần một vạn cán bộ, Nhân dân tham dự, Bác đã căn dặn rằng: “Bây giờ chống hạn là công việc quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh, chống hạn cũng như chống giặc, bởi vì giặc nó đốt, nó phá, còn hạn nó không đốt không phá nhưng kết quả là dân không có ăn, dân đói. Vì vậy, chống hạn phải như chống giặc, phải hết sức cố gắng, phải đồng tâm hiệp lực chống hạn cho kỳ được”.

Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm Thường Tín được xây theo kiểu kiến trúc nhà sàn, bên dưới là hệ thống cột bằng bê tông, trên có bốn mái lợp ngói vảy cá. Từ trên cao nhìn xuống, nhà lưu niệm như một đài sen nở trên hồ nước xanh biếc, xung quanh là vườn cây hoa trái thơm ngát bốn mùa.

Tuổi trẻ huyện Thường Tín say sưa với hành trình "Tự hào một dải non sông"
Trao tặng bàn đổ "Tự hào một dải non sông" tại Nhà lưu niệm Bác Hồ

Bên trong nhà lưu niệm có tượng đài Bác Hồ cùng nhiều ảnh tư liệu Bác về thăm và những hình ảnh lao động sản xuất nông nghiệp của Nhân dân xã Nghiêm Xuyên. Bên phải nhà lưu niệm là cây muỗm Bác trồng, nay đã cao hơn mái nhà sàn. Bên trái là cây đa và tượng đài Bác đang vẫy tay trong bộ quần áo giản dị. Phía trước nhà lưu niệm là hòn non bộ, xung quanh khu nhà là hào nước hoa sen.

Tiếp nhận bản đồ Tổ quốc do Huyện đoàn Thường Tín trao tặng, Bí thư Đảng uỷ xã Nghiêm Xuyên Vũ Hùng Cường đánh giá: "Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Chắc chắn, nhờ những việc làm tốt đẹp như vậy, thanh niên xã Nghiêm Xuyên nói riêng và huyện Thường Tín nói chung càng thêm tự hào về quê hương".

Vũ Cường
Phiên bản di động