Thầy giáo trẻ rời cố đô “cõng chữ” lên vùng cao

Thầy Dương Văn Vấn là giáo viên tiêu biểu của trường THCS ĐăkRve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Anh luôn trăn trở đổi mới, sáng tạo để đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục vùng cao, dân tộc thiểu số.
Chuyện về thầy giáo trẻ "truyền lửa" yêu thương Tạm đình chỉ thầy giáo bị tố nói nữ sinh “hàng to”, “thầy tán em được không”

Năm 2005, dù có công việc ổn định nhưng anh Dương Văn Vấn vẫn quyết tâm bỏ lại mảnh đất cố đô Huế, tình nguyện đem con chữ lên vùng rẻo cao tỉnh Kon Tum.

thay giao tre roi co do cong chu len vung cao
Thầy giáo trẻ Dương Văn Vấn cùng học trò.

Những ngày đầu đến với học sinh miền núi, thầy giáo Vấn ngỡ ngàng bởi sự khó khăn, thiệt thòi mà các em nhỏ ở đây phải chịu. Lúc bấy giờ, học trò của anh không có cả những kỹ năng tối thiểu nhất, kể cả ước mơ nhỏ nhoi đời thường.

Nhìn học sinh ngây thơ, thầy giáo trẻ không khỏi xót xa. “Các em còn quá nhỏ, nếu không được học hành, dạy dỗ cẩn thận sẽ có bao nhiêu thế hệ nữa ở vùng non cao này không có tương lai tươi sáng”, anh Vấn bày tỏ.

Cảm nhận những điều bình dị, tình thương học trò của thầy giáo Vấn nhân lên gấp bội. Anh quyết tâm bám trụ mảnh đất đầy khó khăn này để dìu dắt đàn em tiến bộ.

Trên cương vị là một giáo viên, phụ trách công tác Đoàn, Đội của trường, thầy Vấn luôn trăn trở phải tìm cách đổi mới phương pháp, có những mô hình sáng tạo áp dụng trong công tác giáo dục, đào tạo.

Không chỉ chú ý đến dạy kiến thức, thầy giáo Vấn còn nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh. Cũng từ đó, anh có thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Năm học 2012 - 2013, thầy giáo Dương Văn Vấn là người đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập mô hình “Tủ sách Bác Hồ” trong nhà trường. Mô hình của anh được khai thác hiệu quả, nhiều trường trên địa bàn học hỏi áp dụng để tuyên truyền, giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Năm học 2015 - 2016, bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa, thầy Vấn đã đứng ra lập kế hoạch và thực hiện mô hình “Cột mốc Trường Sa” ở giữa sân trường nhằm tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển đảo quê hương.

Không dừng lại ở đó, sau nhiều năm ấp ủ, thầy giáo Dương Văn Vấn đã vận động thanh thiếu niên và nhân dân thành lập nhóm tình nguyện “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” làm cầu nối tin cậy để kêu gọi sự giúp đỡ kịp thời cho các em mồ côi, học sinh khó khăn người dân tộc thiểu số được tiếp tục đến trường. Đến nay, nhóm đã tặng hơn 270 suất học bổng, hàng nghìn suất quà, suất ăn miễn phí trên địa bàn huyện Kon Rẫy.

thay giao tre roi co do cong chu len vung cao
Thầy giáo trẻ Dương Văn Vấn.

Ngoài ra, thầy Vấn còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em, Câu lạc bộ Kỹ năng của Hội đồng Đội huyện Kon Rẫy, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hiến máu tình nguyện Kon Rẫy”. Các câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia và lan tỏa những việc làm có ích cho xã hội.

Những hoạt động này đã lan truyền những thông điệp đẹp trong cuộc sống tới các bạn trẻ, giúp họ có lí tưởng sống đúng đắn, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, trở thành công dân tốt.

Đến nay, thầy Vấn đã gắn bó 14 năm công tác trong ngành Giáo dục tại huyện Kon Rẫy. Với những nỗ lực cố gắng, thầy giáo Dương Văn Vấn đạt thành tích 10 năm liền được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được các cấp ghi nhận và tuyên dương.

Anh được UBND huyện Kon Rẫy tặng danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cơ sở; UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen trong công tác giáo dục; Giấy khen của UBND huyện, tỉnh trong công tác hiến máu tình nguyện các năm 2014, 2015...

Thầy Vấn còn được Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện mùa Đông và Xuân từ năm 2015 đến 2018; Giấy khen của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai, cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”; được UBND huyện tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc trong công tác “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” các năm 2015 - 2017. Đặc biệt, thầy Vấn còn được Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Kon Tum tuyên dương danh hiệu Giáo viên trẻ tiêu biểu năm 2019.

Nhìn lại chặng đường gắn bó với vùng cao Kon Rẫy suốt 14 năm qua, thầy Vấn bộc bạch: “Khó khăn thì nói mãi không hết, nhất là đối với học sinh miền núi, hầu hết là con em đồng bào dân tộc. Nhiều lúc tôi cũng muốn buông xuôi nhưng thương các em quá nên lại cố gắng và bây giờ tôi nhận được nhiều hơn công sức đã bỏ ra. Tôi được học trò yêu mến, được bà con nhân dân quan tâm, được đồng nghiệp tin tưởng. Đó là hạnh phúc lớn nhất đối với tôi”.

https://tuoitrethudo.com.vn/thay-giao-tre-roi-co-do-cong-chu-len-vung-cao-d2078663.html

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động