Sinh viên lo lắng khi bị giới hạn thời gian làm thêm

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa điều chỉnh dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi nhận được nhiều góp ý từ các bộ, ngành. Theo dự thảo mới, học sinh, sinh viên đang học chính quy, đủ độ tuổi lao động có thể làm việc bán thời gian, nhưng không quá 24 giờ/tuần trong thời gian học. Quy định "không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ" đã bị loại bỏ.
Sinh viên lo lắng về quy định hạn chế giờ làm thêm Sinh viên năm thứ nhất và bài toán quản lý chi tiêu

Liệu có khả thi?

Về tiền công, dự thảo bổ sung quy định lương làm thêm giờ của học sinh, sinh viên phải không thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ. Học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian phải thông báo cho cơ sở giáo dục, và người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định pháp luật về lao động.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi và hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc. Bộ LĐ-TB-XH lý giải, giới hạn giờ làm thêm giúp đảm bảo linh hoạt thời gian làm việc của sinh viên. Trước đó, quy định cũ cho phép học sinh, sinh viên từ 15 tuổi làm việc không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Tuy nhiên, quy định này nhận được nhiều ý kiến cho rằng thiếu thực tiễn và khó khả thi.

Sinh viên lo lắng khi bị giới hạn thời gian làm thêm
Sinh viên tại các thành phố lớn thường lựa chọn làm thêm tại các quán cà phê, nhà hàng và cửa hàng tiện lợi,...

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét lại quy định này vì như vậy sẽ hạn chế thời gian làm việc của sinh viên, đặc biệt là những sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và việc học tập.

Sinh viên lo lắng

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… lượng người lao động là sinh viên thuộc các trường Đại học trên địa bàn chiếm con số đáng kể trong thị trường công việc. Sau khi biết thông tin đề xuất mới của Bộ LĐ-TB-XH về việc quy định thời gian làm việc không quá 24h/tuần, không ít sinh viên tỏ ra bức xúc và bối rối.

“Hoàn cảnh gia đình em không hề khá giả” – bạn trẻ Dương Thị Vân (Sơn La) nói – “Việc thuê trọ, đi học tại Hà Nội mỗi kỳ học đã tốn rất nhiều tiền của bố mẹ nên em mới lựa chọn đi làm thêm tại 2 cửa hàng để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Mức lương thỏa thuận như đề xuất của Bộ nêu ra thực chất rất thấp. Sinh viên chúng em đi làm phần lớn nhận được lương rất thấp. Thu nhập bấp bênh mà còn phải trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Em không biết nếu chỉ làm việc 24h/tuần, em sẽ kiếm tiền như thế nào để tự lo cho bản thân trong 2 năm học sắp tới”.

Sinh viên lo lắng khi bị giới hạn thời gian làm thêm
Vừa học, vừa kiếm tiền trang trải học phí, sinh hoạt phí đang đè nặng trên vai nhiều sinh viên

Tương tự trường hợp của Vân, sinh viên Nguyễn Hoàng Khang (Nam Định) chia sẻ: “Hiện tại em đang làm lễ tân cho một khách sạn nhỏ khu vực Hoàn Kiếm. Quản lý thường tạo điều kiện cho em làm việc linh hoạt theo lịch học để có được thu nhập khả dĩ cho việc sinh hoạt hàng tháng. Sau khi biết đến đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, các anh chị cũng cảm thấy ái ngại cho sinh viên chúng em khi bị cắt giảm thời gian làm việc. Mức lương theo giờ cũng không phải quá thấp dưới mức quy định. Nhưng nếu em không được làm việc ít nhất 40h-48h/tuần, chắc chắn mức thu nhập của em sẽ không đủ sống tại thành phố lớn như Hà Nội. Em mong sắp tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ thật sự xem xét lại về đề xuất trên, khảo sát thị trường và gia cảnh, nguyện vọng của sinh viên chúng em để đưa ra quy định một cách hợp lý, hợp tình hơn”.

Sinh viên lo lắng khi bị giới hạn thời gian làm thêm
Tìm kiếm công việc làm thêm hiện nay đang là bài toán khó đối với sinh viên

Chị Trần Mai Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hai con đang học đại học trên địa bàn Thủ đô chia sẻ: “Các bạn sinh viên Việt Nam có gia cảnh không đồng đều, rất nhiều cháu còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn cảnh gia đình khó nói. Việc giới hạn giờ làm thêm theo ý kiến đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH là đúng nhưng chưa có sự nghiên cứu, tham mưu kỹ càng về thực trạng hiện tại của thị trường lao động sinh viên tại Việt Nam. Các nước phát triển chỉ đưa ra giới hạn thời gian làm việc đối với sinh viên nước ngoài để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo dục phân khúc quốc tế không bị ảnh hưởng, còn các sinh viên bản địa thường được ưu tiên tạo điều kiện đi làm từ rất sớm để tích lũy kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập. Theo tôi, chỉ nên khuyến khích sinh viên để họ biết rằng trách nhiệm của mình là học tập và nghiên cứu chứ không phải là làm thêm. Nhà trường và Hội Sinh viên Việt Nam, các đơn vị đoàn thể hỗ trợ sinh viên cần có biện pháp tuyên truyền phù hợp để các bạn hiểu về nhiệm vụ của mình, đồng thời tạo điều kiện tối đa để sinh viên có cơ hội làm việc, trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập cho đời sống hàng ngày”.

Theo Lê Thanh Ngân, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, đề xuất này chỉ phù hợp với những sinh viên làm thêm để trải nghiệm, không phụ thuộc vào thu nhập từ công việc. Tuy nhiên, đối với những sinh viên cần làm thêm để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, thì quy định này không phù hợp.

"Em hiểu rằng, đề xuất này nhằm mục đích tốt cho sinh viên, ngăn ngừa việc họ quá mải mê làm thêm mà bỏ bê việc học. Nhưng mỗi sinh viên có hoàn cảnh khác nhau, nên việc áp dụng đề xuất này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn nữa, việc kiểm soát số giờ làm thêm của sinh viên cũng rất khó," Thanh Ngân chia sẻ.

Tùng Linh
Phiên bản di động