Sinh viên năm thứ nhất và bài toán quản lý chi tiêu
“Một thân một mình” vẫn "sốc"
Trong một môi trường “tự do” đầy mới mẻ và phải tự quyết định chi tiêu trong khi giá cả ngày một leo thang đã gây ra không ít khó khăn đối với các bạn tân sinh viên. Vũ Hoàng, tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Mình không ngờ là khi lên đại học lại có nhiều mức chi phí cần phải cân đối như vậy. Mặc dù sinh sống và học tập tại Hà Nội nhưng mình vẫn gặp khó khăn khi lập danh sách chi tiêu và không biết phải sử dụng tiền như thế nào để tiết kiệm.”
Còn Nguyễn Thị Ly, tân sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi ở quê, mọi chi phí do bố mẹ chi trả, bây giờ về Hà Nôi, tự mình phải tính toán chi tiêu trong cuộc sống khiến cô nàng rất bỡ ngỡ. “Tháng đầu mình được gia đình cho 5 triệu, không biết bằng cách nào đó, chưa đầy một tháng mình đã “cháy túi. Mình phải gọi điện về nhà xin thêm để đủ tiền chi tiêu đến cuối tháng”.
Dịp tựu trường là lúc tân sinh viên phải chi tiêu nhiều |
Vũ Anh Quân, sinh viên năm thứ nhất Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ: “Khi lên đại học, được tự cầm tiền chi tiêu, ban đầu mình thấy thích vì không ai kiểm soát, muốn mua gì thì mua. Tuy nhiên sau hơn 1 tuần, thấy tiền bố mẹ cho cứ vơi dần và sẽ hết trong vòng vài ngày tới, mình cảm thấy thực sự lo lắng. Gia đình mình khó khăn, khi đi học bố mẹ cố gắng cho 4 triệu mỗi tháng bao gồm cả tiền nhà, tiền ăn và chi phí sinh hoạt. Tình hình chi tiêu không kiểm soát đang khiến mình sắp rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Mình đang lo cuộc sống sẽ như thế nào từ giờ đến hết tháng”.
Làm sao để chi tiêu hiệu quả
Để quản lý chi tiêu hiệu quả, Kim Huế, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Với số tiền bố mẹ cho, em sẽ chi khoảng 70% cho tiền ăn uống và đi lại, 10% cho những sở thích cá nhân, phần còn lại để dự phòng. Bên cạnh đó, mình cũng tiết kiệm chi tiêu bằng cách xin giáo trình của các anh chị đi trước.”
Kim Huế tâm sự: “Vì mới nhập học nên tân sinh viên sẽ có nhiều buổi tụ tập, gặp gỡ, đi chơi với bạn bè. Vì vậy, các bạn sinh viên cần vạch ra kế hoạch chi tiêu và thực hiện sát sao để hạn chế tình trạng tiêu xài vô tội vạ.” |
Ở cương vị là một người đi trước, Lê Thị Thu Duyên, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhớ lại những ngày đầu mới nhập học: “Trong khoảng thời gian năm thứ nhất, xa nhà, xa bố mẹ, phải tự quản lý chi tiêu, mình gặp một số vấn đề như: Hết tiền ngay giữa tháng, đầu tháng ăn sang cuối tháng nhịn. Số tiền mình chi nhiều nhất là vào đồ ăn vì mình ngại nấu ăn nên hay ăn ngoài. Đến khi hết tiền, kiểm điểm lại mình thấy hốt hoảng vì “vỡ” kế hoạch chi tiêu. Mặc dù rất ngại nhưng lúc đó mình phải gọi điện về xin tiền bố mẹ”.
Vì thế Thu Duyên đưa ra lời khuyên, tân sinh viên nên ưu tiên chi tiêu cho các khoản cơ bản như ăn ở, học tập. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng nên có một quyển sổ quản lý chi tiêu chi tiết. Hạn chế những khoản không cần thiết và nên tự nấu, giảm thiểu ăn ngoài. Bên cạnh đó, tân sinh viên thuê trọ nên cố gắng cắt giảm việc sử dụng điện và nước…, những hành động tưởng chừng đơn giản đó nhưng có thể giúp các bạn tiết kiệm cho ngân sách của mình.
Là một phụ huynh có con vừa vào đại học, cô Nguyễn Vân Hằng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Phần lớn tân sinh viên thường không tính toán xem tiền của mình thực sự được tiêu vào đâu nên dẫn đến việc các bạn dễ sa đà vào những thứ không cần thiết trong chi tiêu. Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh nên trang bị cho con mình kiến thức và kỹ năng trong việc thống kê chi tiêu ngay từ khi nhập học để tránh tình trạng chi tiêu quá tay chỉ trong chưa đầy một tháng nhập học.”
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chi tiêu hoang phí vào các nhu cầu chưa thực sự cần thiết khiến nhiều tân sinh viên khó khăn vào cuối tháng. Không ít em đã rơi vào các bẫy lừa đảo như vay nặng lãi, tín dụng đen, hoặc bị dụ dỗ vào hoạt động kiếm tiền đa cấp.
Vì thế, tân sinh viên nên ưu tiên chi tiêu cho các khoản cơ bản như ăn ở, học tập, trang phục lịch sự. Lập kế hoạch chi tiết là chìa khóa giúp các em không bị sốc trong thời gian đầu. Việc ghi chép chi tiêu cũng giúp các tân sinh viên rèn luyện tính nhẫn nại, giúp ích cho cuộc sống và công việc tương lai.
Chi tiêu thiếu thận trọng và lỡ “vung tay” vào những thứ không cần thiết sẽ khiến tân sinh viên nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu thốn, nợ nần chồng chất. Vì vậy, dù sinh sống và học tập ở đâu, tân sinh viên cần phải học cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu của bản thân thật rõ ràng.