Sáng tạo và đột phát, Mê Linh phát triển du lịch trải nghiệm
"Chìa khoá vàng" trong triển khai dự án Vành đai 4 tại Mê Linh |
Đổi thay trên quê hương Hai Bà Trưng
Những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội. Một nội dung quan trọng là triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.
“Huyện Mê Linh cần chú trọng chuyển dịch quy hoạch sang mô hình nông nghiệp đô thị”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong gợi mở trong buổi giám sát triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tại huyện Mê Linh hồi tháng 10/2023 |
Kết quả, những năm gần đây, bộ mặt của huyện Mê Linh đã có những sự đổi thay, cách tân đáng ghi nhận. Những người nông dân của huyện Mê Linh hiện nay không chỉ làm công việc nông nghiệp một cách đơn thuần, thay vào đó, họ đang đa dạng sản phẩm nông nghiệp, gắn với du lịch trải nghiệm.
Ví dụ, xã Mê Linh được xem là vựa hoa lớn của huyện Mê Linh, từ đây hoa được xuất đi khắp nơi và cũng là đầu mối du nhập nhiều loại hoa, giống hoa quý, chất lượng. Tết Giáp Thìn, bà con xã Mê Linh nỗ lực chăm sóc với hy vọng một vụ hoa được mùa, được giá.
Anh Nguyễn Thế Anh - Chủ nhà vườn Hồng Anh cho biết, trước đây, gia đình anh cũng như nhiều hộ thường trồng hoa hồng cắt cành. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh cùng nhiều hộ khác đã chuyển sang trồng hoa hồng thế, hồng bon sai, hồng cảnh, hồng chậu, bởi dáng cây đẹp, phù hợp trưng bày trong nhà, sân vườn, tiểu cảnh, công trình. Đặc biệt, hoa tươi rất lâu, có thể lưu trên cây cả tháng vẫn rất bền màu.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm thăm và động viên nhà vườn Ánh Huyền - cơ sở có nhiều sáng tạo trong phát triển du lịch trải nghiệm |
"Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà vườn Hồng Anh cung ứng khoảng 800 chậu hồng với nhiều chủng loại, đa dạng về màu sắc với mức giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/cây. Thậm chí, những cây hồng cổ có giá vài chục triệu đồng, dự kiến cho doanh thu hơn một tỷ đồng", anh Thế Anh chia sẻ.
Với nhiều nhà vườn như của anh Trần Ngọc Ánh, anh Nguyễn Hồng Hạnh (xã Chu Phan) hay anh Phạm Đức Tài (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh)... huyện Mê Linh càng lúc càng khẳng định được vị thế "thủ phủ các loài hoa" của Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động quảng bá, truyền thông tích cực đã góp phần "mời chào" hàng vạn du khách đến với quê hương Hai Bà Trưng.
Hướng đi mới, sáng tạo
Đối với công tác quản lý, thời gian qua, huyện Mê Linh đang rà soát lập quy hoạch, phát triển các trang trại, cánh đồng trồng rau củ, quả, nông sản tập trung, vùng trồng hoa, cây cảnh thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan. Huyện tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm đặc thù theo hướng bền vững là du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Thực tế, các di tích của huyện Mê Linh có thể dễ dàng liên kết phát triển với các điểm du lịch trong vùng như: Đền Gióng (huyện Sóc Sơn); đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); chùa Tây Thiên, Tam Đảo; khu sinh thái Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) và nhiều điểm di tích của các địa phương lân cận.
Thí sinh Hoa hậu Du lịch thế giới thích thú trải nghiệm Lễ hội hoa Mê Linh |
Để kết nối các điểm du lịch của huyện Mê Linh, tháng 8/2023, huyện đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn và hội nghị nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành.
Cùng với địa chỉ các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, Mê Linh còn thừa hưởng nét văn hóa làng nghề, có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời đang được gìn giữ và phát huy như: Vùng trồng rau tập trung tại xã Tráng Việt; Làng nghề làm mỳ bún, kẹo lạc xã Tiến Thịnh; Làng nghề mây tre đan xã Tam Đồng.
Tại hội nghị giám sát triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ở huyện Mê Linh hồi tháng 10/2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận nỗ lực của địa phương trong việc cụ thể hóa Chương trình 06 và Nghị quyết 09 thông qua việc ban hành các đề án, kế hoạch...; quan tâm đầu tư phát triển đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở; sự mạnh dạn, đột phá trong xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc cũng như tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số.
“Huyện cần chú trọng chuyển dịch quy hoạch sang mô hình nông nghiệp đô thị. Mạnh dạn tính đến việc quy hoạch khu trung tâm thể thao vùng; xây dựng đề án bảo tồn 2 làng hoa truyền thống; rà soát lại hệ thống di sản trên địa bàn để có kế hoạch bảo tồn, tôn vinh cho phù hợp... hay xây dựng đề án tổ chức Festival hoa thực sự có tầm vóc, với lộ trình ban đầu có thể ở tầm thành phố rồi tầm nhìn là Festival hoa quốc tế", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.