Rèn những thói quen tốt nương theo dịch bệnh

Để chung sống an toàn cùng dịch bệnh, mỗi người cần phải soi chiếu và điều chỉnh nhiều thói quen vốn được xem là bình thường trước đây.
Nói xấu người khác làm giảm tới 5 năm tuổi thọ Những điều bạn hay làm vào mùa lạnh là kẻ thù của sức khỏe Không ăn kiêng, duy trì 5 thói quen sẽ đốt mỡ thừa, giảm cân nhanh chóng

Việt Nam ta vẫn đang khấp khởi mừng vì 88 ngày liên tiếp không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vậy mà, chỉ vì một vài cá nhân thiếu ý thức, dịch bệnh đã quay trở lại cuốn mọi thứ vào guồng “chống dịch như chống giặc”. Ngay lúc này, để chung sống an toàn cùng dịch bệnh, mỗi người cần phải soi chiếu và điều chỉnh nhiều thói quen vốn được xem là bình thường trước đây!

Văn minh trong bàn tiệc

Người Việt thường có thói quen gắp thức ăn mời khách. Một đôi đũa, một cái muỗng cá nhân vẫn có thể lia từ món canh sang món xào, đĩa cá sang nồi lẩu. Sự hiếu khách vẫn được dùng để bao biện cho hành động gắp thức ăn bỏ chén người như thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm giác ngon miệng hơn khi được “mời” ăn kiểu ấy nhưng lại không tiện góp ý vì sợ mất lòng.

Thiết nghĩ sự hiếu khách nên bắt đầu bằng lời rủ rê, câu mời mọc, nụ cười thân ái, ánh mắt chân tình thay vì dùng đũa muỗng gắp thức ăn cho nhau khiến miếng ngon bỗng hóa dở!

Lịch sự khi chào hỏi

Hành động tay bắt mặt mừng trong văn hóa chào hỏi của nhiều nơi đã dần đổi thay trước nguy cơ lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng. Thói quen thơm má con trẻ, cưng nựng bằng các hành động âu yếm một đứa trẻ cũng cần thay đổi. Người ta nói nhiều về khả năng lây truyền các loại vi khuẩn thông qua hành động thơm nhẹ vào má trẻ. Bởi vậy, yêu thương con trẻ chính là sửa dần thói quen vuốt má, thơm má vồn tiềm ẩn rủi ro lây truyền dịch bệnh!

Đám tiệc bớt rình rang

Với nếp sống coi trọng tình làng nghĩa xóm và nể nang bạn bè thân hữu, người Việt vẫn thường rình rang đám tiệc mỗi khi có dịp cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng, tân gia, sinh nhật… Người đi mời cứ lo mời thiếu người sẽ bị trách nên danh sách cứ dài thêm ra. Người được mời lại không tiện chối từ và đành bấm bụng móc hầu bao đi ăn tiệc.

Và khi dịch bệnh buộc xã hội phải thực hiện giãn cách, đám tiệc tự dưng thu nhỏ lại trong phạm vi gia đình, thân hữu. Không ít người bắt đầu cảm nhận sự ấm cúng, thân mật trong bàn tiệc thay vì đám đông ầm ĩ, rền rã trước đây. Chi phí được tiết kiệm, lễ tiết lại giản tiện đến không ngờ. Và phải chăng nếp sống này cần được duy trì để hòa nhập dần với cuộc sống “bình thường mới”?!

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn phải là thói quen

Còn nhớ khi dịch bệnh vừa tạm lui, lệnh nới lỏng giãn cách xã hội vừa ban ra là y như rằng bao thói quen tốt đẹp vừa rèn giũa trong thời gian ngắn vừa qua lập tức bị “tẩy chay”. Người ta tháo dần chiếc khẩu trang trên mặt, quên mất việc rửa tay thường xuyên, bỏ mặc mấy chai nước sát khuẩn nằm chõng chơ…

Đại dịch Covid-19 vẫn đang nóng hôi hổi, bên cạnh đó là bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… đều đang tăng tốc. Chúng ta chưa bao giờ an toàn trước thử thách của dịch bệnh và việc mỗi người phải điều chỉnh để thích nghi là vấn đề sống còn.

Khẩu trang phải là vật bất ly thân khi đến nơi công cộng, thói quen rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa cần phải được duy trì không chỉ là trong thời điểm dịch bệnh. Và còn đó bao tật xấu khác cần phải sửa ngay lập tức: xả rác nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi, ném vứt khẩu trang lung tung, chen lấn trong đám đông…

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động