Quy mô thương mại điện tử dự báo vượt mốc 25 tỷ USD
Hơn 3.100 vụ vi phạm trên thương mại điện tử năm 2024 Thách thức về bảo vệ bản quyền trên nền tảng thương mại điện tử |
Theo Bộ Công thương, năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến, và việc tổ chức thành công Online Friday đã góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Ảnh minh họa. |
Công tác quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh cũng là lúc công tác quản lý Nhà nước đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc phát hiện, xử lý hàng gian, hàng giả.
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2024 được thể hiện qua việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đó, tiếp tục triển khai Đề án 319 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo thành lập Tổ thương mại điện tử tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa phương nhằm chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin cũng như thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến các vụ việc về thương mại điện tử.
Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266 % so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220 % so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440 % so với năm 2023).
Với các hoạt động xuyên biên giới, Bộ Công thương thừa nhận vẫn còn gặp khó trong quản lý do các quy định chưa đủ mạnh, dẫn đến nhiều nền tảng bán lẻ online xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức, như Temu, Shein...
Việc một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng khiến hàng hóa từ các nước lân cận được tiêu thụ tại thị trường trong nước, ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa.
Ngoài ra, nhiều hoạt động bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội chưa được quản lý, thống kê vào số liệu tiêu thụ trong nước. Việc này khiến số liệu thống kê chưa phản ánh đúng sức mua của người dân.