Hơn 3.100 vụ vi phạm trên thương mại điện tử năm 2024
Thách thức về bảo vệ bản quyền trên nền tảng thương mại điện tử Kiểm soát chặt hàng nhập qua thương mại điện tử tránh triệt tiêu hàng nội |
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố căn cứ vào tính chất địa bàn, nguồn nhân lực đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường online; công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
Theo đó, trong năm 2024, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%); thu nộp ngân sách Nhà nước trên 541 tỷ đồng (tăng 8%); trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2024 được thể hiện qua việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đó, tiếp tục triển khai Đề án 319 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo thành lập Tổ thương mại điện tử tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa phương nhằm chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin cũng như thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến các vụ việc về thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương). |
Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266 % so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220 % so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440 % so với năm 2023).
Trong đó, nổi bật là các vụ việc như: Kiểm tra Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Kim Hương Dinh tại An Giang, phát hiện lô sản phẩm trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 1 tỷ đồng. Tiếp đến là vụ kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store, tại thành phố Cà Mau, phát hiện và tạm giữ 10 tấn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu trị giá trên 1 tỷ đồng, chủ yếu bán qua hình thức livestream trên Facebook.
Hay vụ kiểm tra đột xuất với địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần tập đoàn ZENPALI, kinh doanh trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc với giá trị trên 1,1 tỷ đồng, bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên”, đây là một hot tiktoker nổi tiếng. Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 3 đối tượng với tổng số tiền phạt và thu lợi bất hợp pháp là gần 457 triệu đồng.
Bên cạnh lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục đạt được những thành quả nhất định. Theo đó, năm 2024, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 5.430 vụ vi phạm đối với lĩnh vực này, chuyển cơ quan điều tra 102 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 76 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 38 tỷ đồng.
Trong đó, một số vụ việc nổi bật phải kể đến như: Kiểm tra Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam tại tỉnh Bình Dương; phát hiện công ty sản xuất hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là thuốc chữa bệnh, trị giá 4,6 tỷ đồng. Hay vụ chuyển cơ quan điều tra khởi tố 6 đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán nước giặt giả quy mô lớn tại Hà Nội; tại TP HCM, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa tại Quận 12, phát hiện trên 24.000 sản phẩm nước hoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng ước tính trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Đối với một số lĩnh vực khác như an toàn thực phẩm, lượng lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 9.074 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 57,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 62 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng vàng, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 953 vụ, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 23,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng đường cát, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 113 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2,9 tỷ đồng, số lượng hàng hóa tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy gần 400 tấn đường các loại.
Đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, phát hiện, xử lý 1.800 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ. xử phạt vi phạm hành chính gần 18,7 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm 10,4 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 970 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 406 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng, thu giữ 2.470 lít dầu các loại trị giá 52 triệu đồng
Đặc biệt, trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu hình sự. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố 29 vụ án. Trị giá hàng hóa vi phạm chuyển giao cơ quan điều tra gần 100 tỷ đồng.