Thách thức về bảo vệ bản quyền trên nền tảng thương mại điện tử
Thương mại điện tử đóng góp 22 tỷ USD cho nền kinh tế năm 2024 Cảnh báo rủi ro mua sắm trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký |
Muôn hình vạn trạng hành vi xâm phạm
Xu hướng bùng nổ thương mại điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức giao thương, giúp việc mua bán qua môi trường số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng đồng hành với đó là các hành vi xâm phạm bản quyền cũng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của các chủ sở hữu bản quyền, người tiêu dùng và gây suy yếu nền kinh tế sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, những hành vi xâm phạm bản quyền thường gặp trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) thường muôn hình vạn trạng. Cụ thể đó là kinh doanh hàng sao chép lậu; Dùng trái phép ảnh có bản quyền để chào bán sản phẩm; Sao chép trái phép hình ảnh có bản quyền lên sản phẩm (cho khách hàng tự chọn hình ảnh, thiết kế, mẫu sản phẩm)
Trong khi đó, các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn vì chưa có quy định giúp chủ thể quyền tiếp cận thông tin về các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của sàn TMĐT về việc cung cấp thông tin các nhà bán lẻ, các gian hàng có hành vi xâm phạm cho chủ thể quyền.
Cùng với đó, Luật sư Dương Việt Đức (Công ty Luật TNHH IPMAX) cho rằng, chế tài xử phạt cũng chưa đủ răn đe. Thêm nữa, các cơ quan quản lý gặp khó khăn khi xử lý do các đối tượng vi phạm không có kho, cửa hàng hoặc hàng phân tán nhiều nơi, chỉ bán online, sử dụng nhà riêng, chung cư làm nơi lưu trữ hàng hóa; Thiếu hoặc cung cấp thông tin liên hệ và địa chỉ chung chung để tránh bị phát hiện.
Về phía các sàn TMĐT, chính sách cung cấp chứng từ và thông tin đăng bán hàng hóa/dịch vụ trên các sàn TMĐT còn chưa chặt chẽ. Hiện tại, các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp một số thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ. Việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch TMĐT cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm.
Cần sự phối hợp của các nền tảng trực tuyến
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chia sẻ, khi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ phải đối mặt với các quy định pháp luật của quốc gia mình mà còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế.
Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó phải kể đến 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về bản quyền trên internet, đó là việc tham gia WCT năm 2021 và WPPT năm 2022; đó là CPTPP, EVFTA, RCEP…
Các thỏa thuận này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà sáng tạo mà còn tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để xử lý các vi phạm.
Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đồng thời cũng đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
“Bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử và hội nhập quốc tế không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và TMĐT” – bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định.
Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan và xử lý các vi phạm xuyên biên giới cũng là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả và nhà sáng tạo.
Theo chuyên gia này, cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ và sự hợp tác quốc tế. Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện. Việc xây dựng các chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả.
Trách nhiệm của sàn TMĐT về cung cấp thông tin đối tượng vi phạm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo Điều 36.9(a) Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (sửa đổi năm 2021): “Điều 36. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử 9. Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại. a) Cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên”. |