Quy định rõ hơn điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn tiêu chí và điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội...
Đại biểu Quốc hội đề xuất đổi tên "kỳ họp bất thường" Trình Thường vụ Quốc hội xin ý kiến giảm tiền thuê đất năm 2024

Hôm qua 12/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tại phiên thảo luận, quan tâm đến quy định về việc Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, khoản 1 Điều 88 quy định Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác hoặc điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết.

Tuy nhiên, quy định này chưa nêu rõ tiêu chí nào để xác định "cần thiết", có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng hoặc khó triển khai trong thực tế. Chưa có quy định về thời gian tối đa hoạt động của Ủy ban lâm thời, dễ dẫn đến kéo dài không cần thiết.

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 88 theo hướng quy định rõ hơn tiêu chí và điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời.

Quy định rõ hơn điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Cụ thể, dự thảo luật cần quy định Ủy ban lâm thời được Quốc hội thành lập khi có yêu cầu cấp thiết, phục vụ thẩm tra các dự án luật, nghị quyết có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý hoặc cần điều tra một vấn đề nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền lợi của công dân.

Đồng thời, bổ sung thời hạn hoạt động tối đa của Ủy ban lâm thời theo hướng “Thời gian hoạt động của Ủy ban lâm thời không quá 12 tháng, trừ trường hợp Quốc hội quyết định gia hạn do tính chất phức tạp của vụ việc”.

Đại biểu cũng đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 88 để bổ sung cơ chế phản ứng nhanh theo hướng bổ sung quy định là “Ngoài việc thành lập theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời trong các tình huống cấp bách để điều tra các vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn đến quốc gia. Quyết định này phải được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất”.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất cân nhắc bổ sung vào Điều 89 quyền hạn của Ủy ban lâm thời: Ủy ban lâm thời có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung điều tra. Ủy ban lâm thời có quyền triệu tập các cá nhân, tổ chức liên quan để làm việc, yêu cầu giải trình.

Khi cần thiết, Ủy ban lâm thời có thể đề xuất Quốc hội tạm đình chỉ công tác của cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm hợp tác với Ủy ban lâm thời. Việc từ chối cung cấp thông tin hoặc không hợp tác phải được báo cáo Quốc hội và có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật.

Hậu Lộc
Phiên bản di động