Quốc hội yêu cầu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng

Quốc hội yêu cầu nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh...
Thị trường vàng Việt Nam: Thách thức và giải pháp bình ổn Có tư duy “không quản được thì cấm” trong quản lý thị trường vàng?

Đây là nội dung được nêu ra tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khẩn trương sửa đổi Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngành ngân hàng phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai các chương trình tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2025, ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Quốc hội yêu cầu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành, triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi), ngập, lụt, sạt lở đất sau bão số 3.

Cùng đó, Quốc hội cũng yêu cầu ngành ngân hàng triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

"Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng; tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu vàng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm", nghị quyết nêu.

Đặc biệt, chậm nhất tháng 6/2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động