Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0

Không còn chất liệu bằng giấy đơn thuần, quạt Chàng Sơn nay được cải tiến thành những món đồ trang trí, quà biếu hay dụng cụ nghi lễ với thiết kế kỳ công, mang hơi hướng vừa truyền thống vừa hiện đại.

Vẻ đẹp của những chiếc quạt giấy khổng lồ

Quạt điều hòa, quạt điện đã đẩy những chiếc quạt giấy vào miền ký ức. Nhưng những chiếc quạt Chàng Sơn không bị tàn lụi theo thời gian mà sống động hơn khi mở ra được thị trường mới ở thời hiện đại.

Đến Chàng Sơn, du khách sẽ được nghe kể về nghệ nhân Dương Văn Mơ - người có công khôi phục nghề quạt truyền thống của làng. Vài chục năm trước, khi nghề làm quạt ở Chàng Sơn đứng trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục lễ hội truyền thống ở các xã quanh Chàng Sơn được đẩy mạnh. Nghệ nhân Dương Văn Mơ đã phục dựng chiếc quạt thờ bị mối mọt để dân làng Bùng (xã Canh Nậu) cúng tế trong lễ hội.

Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0

Bên cạnh việc phục chế quạt, nghệ nhân Dương Văn Mơ còn được nhiều công ty du lịch, đơn vị nghệ thuật, các công ty tổ chức sự kiện đặt hàng sản phẩm quạt thủ công mỹ nghệ, quạt tranh để trang trí và biểu diễn. Ông chính là người đã làm nên chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam với chiều dài 9m, cao 4,5m.

Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0
Quạt Chàng Sơn được "khoác một lớp áo mới" ngay giữa thời kỳ xã hội hiện đại

Những chiếc quạt thế hệ mới ở Chàng Sơn phong phú hơn về chất liệu, giàu có sự sáng tạo. Có những chiếc quạt như bức tranh quê Hà Nội được vẽ theo mẫu tranh phố Hàng Trống với đường nét và màu sắc độc đáo. Có những chiếc quạt mang đậm hơi thở và phong cách hiện đại. Chiếc quạt được trưng bày tại Lễ hội phố hoa Tết và Festival làng nghề truyền thống tổ chức tại Huế tháng 6/2009 là niềm tự hào của làng nghề Chàng Sơn.

Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0
Đối với người Chàng Sơn, chiếc quạt là biểu tượng, là niềm tự hào của làng nghề

Từ cách làm sáng tạo của nghệ nhân Dương Văn Mơ, người làng nghề Chàng Sơn bắt đầu cải tiến những chiếc quạt giấy bình thường, chỉ phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày thành những chiếc quạt kì công với kích thước lớn, phục vụ mục đích nghệ thuật và trang trí.

Những bức tranh được vẽ trên quạt có lẽ là yếu tố quyết định tới sự thành công của quạt Chàng Sơn. Quạt cỡ lớn nay được điểm tô thêm những bức tranh mang đậm bản sắc Việt Nam nói chung và Chàng Sơn nói riêng.

Chị Bùi Thị Nhung, 38 tuổi - chủ của một xưởng quạt lớn trong làng cho biết: "Những bức tranh được vẽ trên quạt cỡ lớn hiện nay là những địa danh quen thuộc của Việt Nam chúng ta. Tài hoa của người làm quạt chính là khi biết cách phối hợp hài hòa những đường nét trên với bức tranh đó trên chiếc quạt giấy Chàng Sơn hiện đại".

Hiện nay, quạt Chàng Sơn trong thời kỳ hiện đại ngày nay trở thành một vật dụng không thể thiếu tại các sân khấu nghệ thuật lớn hay như một món đồ trang trí nội thất trong nhà, tạo nét đẹp cổ kính, xưa cũ. Không chỉ vậy, quạt Chàng Sơn còn phát triển vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam, xuất khẩu sang các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chàng Sơn đầu tư thu hút khách du lịch

Làng nghề Chàng Sơn nô nức, rộn ràng hơn nhờ việc tập trung đầu tư phát triển du lịch. Điều đặc biệt mà làng quạt truyền thống làm được là du khách sẽ cùng nghệ nhân tự tay làm ra những chiếc quạt nan, quạt giấy xinh xắn.

Chị Đỗ Thị Lý, du khách đến từ Thái Bình tâm sự: “Khi được ngồi trải nghiệm từng công đoạn làm quạt, tôi cực kỳ hứng thú, hình ảnh của Chàng Sơn khắc ghi sâu sắc trong tâm trí tôi.”

Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất tự hào: “Huyện đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường tới các làng nghề, các tuyến liên xã, liên huyện... nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch huyện Thạch Thất. Những năm qua, nhiều làng nghề được đầu tư mở rộng, tạo đà cho loại hình du lịch làng nghề phát triển; đồng thời duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống để người dân cùng tham gia làm du lịch theo phương châm “mỗi người dân là một hướng dẫn viên giỏi”.”

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và cả nước ngoài đã quyết định đầu tư, đẩy mạnh phát triển làng quạt Chàng Sơn. Họ đã giải quyết vấn đề về nhân lực bằng việc quy tụ nhiều đầu mối nhỏ trong làng nghề tập trung thành nhiều điểm sản xuất quạt lớn để xử lý vấn đề nhân công thiếu thốn.

Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0

Sau đó, để đảm bảo được sự chuẩn xác và tiến độ sản xuất quạt, người dân làng nghề được hướng dẫn áp dụng những dây chuyền sản xuất hiện đại. Thay vì mỗi người thợ ngồi chuốt từng nan quạt, dán lồng từng khung giấy thì giờ đây đã có những bộ máy hỗ trợ với độ chính xác cao, giúp giảm thiểu công sức và rút ngắn thời gian lao động.

Quạt giấy Chàng Sơn ‘thay áo mới’ thời 4.0

Những chiếc quạt dưới sự sáng tạo của người dân Chàng Sơn nay được kết hợp thêm sự vận dụng tài tình của bộ máy sản xuất hiện đại, đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm ấn tượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Quạt Chàng Sơn lại một lần nữa được "thay da đổi thịt" để phù hợp với đời sống hiện đại.

Trong tương lai, chắc chắn quạt Chàng Sơn sẽ còn đổi mới và phát triển nhiều hơn nữa. Và những bức tranh mang đậm bản sắc Việt Nam sẽ ngày càng được nâng tầm, vươn xa, tỏa sáng, vinh danh trên thị trường quốc tế.

Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản

Cái làm nên hồn cốt của làng nghề, khiến Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) khác tất cả các làng thêu ...

Đức Thái
Phiên bản di động