Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản
Mục sở thị cách dệt chiếu cói ở làng nghề Phú Yên Làng nghề làm đèn lồng đìu hiu trước Tết Trung thu Ươm tơ ở làng nghề truyền thống Thái Bình |
Bài 1: Người phục dựng nghệ thuật thêu cung đình đỉnh cao
Được gọi bằng những cái tên rất kêu như “làng thêu rồng phượng”, làng nghề “may áo cho vua” nhưng có giai đoạn, cả làng Đông Cứu bỏ nghề vì những lí do khách quan. Kỹ thuật thêu cổ trên các sản phẩm cung đình cũng suýt bị mai một nếu không có những người con đau đáu với những giá trị văn hóa của cha ông để lại như nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (SN 1969).
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (áo đen, bìa giữa) |
Nghệ nhân cho biết, những năm 1991-1998, nghề thêu truyền thông của làng bắt đầu khởi sắc khi liên tiếp có những đơn hàng thương mại. Cũng ở giai đoạn đó, ông nhen nhóm ý tưởng phục dựng những chiếc áo long bào, áo mão cho vua chúa, quan lại, quý tộc trong triều đình xưa. Ban ngày ông làm những sản phẩm thương mại, chiều tối 1 hoặc 2 ngày mang ra phố một lần, lấy lãi về nuôi cái áo phục chế đầu tiên.
“Có những lần thực sự không có tiền, tôi phải bớt tiền của nhóm thợ. Hồi ấy chỉ có mười mấy ngàn một công, tôi bảo thẳng: “Các chị ơi, các em ơi, tháng này em chịu, em chỉ có bằng này thôi, tính toán rồi đem chia”. Mọi người rất là vui vẻ, không có vấn đề gì, còn nếu như bây giờ thì chắc là không. Tôi còn giữ cái ảnh của một ông Việt Kiều chụp, cái ngày nghèo đói vẫn còn đi dép lê, dép tổ ong cũ ở xưởng nhà tôi. Nắng nôi hạn chế nhưng lòng người thì không thể đo đếm được, nhiệt tình vô cùng”, ông Giỏi nói.
Bức ảnh ghi lại giai đoạn khó khăn mà ông Giỏi phải "vay tạm" tiền công của thợ thêu để dồn sức cho việc phục dựng sản phẩm cung đình |
Khắc phục khó khăn về tài chính, ông Giỏi tiếp tục mày mò tìm lại các tư liệu về trang phục cổ, nguyên vật liệu, màu sắc, lối thêu, họa sắc, hoa văn...
Thời ấy, những tài liệu về trang phục cung đình xưa rất khó tìm. Không có mạng internet, không tra cứu được trong những nguồn tư liệu công cộng, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phải xin tư liệu từ những cá nhân trong và ngoài nước. Không có bản mẫu, ông chỉ còn tìm lại được những hình ảnh đen trắng có những mảng hoa văn mờ nhòe không rõ.
Theo ông Giỏi, để phục chế trang phục cung đình, người nghệ nhân phải biết các kích thước trang phục, số đo chuẩn mực của vua chúa, quý phi, thái hậu... từ đó, sắp đặt chi tiết hoa văn họa tiết. Bởi vậy cần phỏng đoán, tính toán, suy luận và hỏi tư liệu, kết hợp việc tra trên sách và cả những cuốn nháp của các nhà sử học xưa.
“Nghề chơi” còn cũng lắm công phu khi thị trường không còn cung cấp những nguyên vật liệu may trang phục cho giai tầng của một thời xưa cũ. Chẳng hạn như chỉ thêu.
Chỉ thêu phải thuê, đặt riêng từ các làng nghề tơ tằm |
Ông Giỏi chia sẻ: Chỉ thêu trên áo dài của công chúa, quý phi là chỉ tơ se một chiều mỏng nhỏ thể hiện cánh hoa uyển chuyển, tự nhiên nhưng chỉ thêu trên long bào của vua là chỉ thêu se hai chiều tạo sự quyền uy với những mảng hoa văn nổi bật.
“Các cụ phân tích, lượt tơ ra đầu tiên của con tằm là tơ se 2 chiều, lượt thứ 3-4 là tơ lát. Những loại tơ gốc, mà bây giờ gọi là tơ lái gần cuối cùng, tơ ấy không được đều, to, chủ yếu để dệt vải đũi. Còn loại bẩn nhất thì Trung Quốc hay mua về nhai lại để làm tơ. Chẳng hạn, áo Sa Kép thì phải dùng tơ đều, các cụ sẽ hướng dẫn loại này là tơ lát, phải thuê các cụ lấy lần thứ 4-5”, ông Giỏi nói.
Thị trường không bán, nghệ nhân phải thuê, đặt tơ từ các làng nghề tơ tằm ở Nam Định, Nam Hà, Ninh Bình, Phùng Xá, Mỹ Đức; liên kết với các nghệ nhân làng nghề như cụ Trí Đằng nghệ nhân xưa ở Triều Khúc, hay cụ Triệu Văn Mão ở Vạn Phúc. Nhưng thuê riêng giá cao cũng không dễ do làng nghề chỉ sản xuất phục vụ thị trường. Người thợ làm riêng loại tơ như yêu cầu mất nhiều công sức, thời gian và chọn được một chút tơ thì phần còn lại đều phải bỏ. Chỉ những người nào thật sự hiểu và đam mê phục dựng các giá trị văn hóa và có điều kiện sẵn mới sẵn sàng giúp đỡ.
Qua các thời đại, màu sắc cũng có sự biến hóa. Khi phục dựng, ông Giỏi lại phải tìm đến các nghệ nhân làng khác để học cách nhuộm tự nhiên, không dùng hóa chất. Có người sợ ông đến học về cạnh tranh nên chẳng mấy mặn mà. Người hiểu cũng chia sẻ kinh nghiệm một phần còn ông Giỏi phải tự mò mẫm từ cách làm nồi nhuộm giữa trưa nắng, đun bếp bằng củi, làm sao cho màu không bị bay khi phơi…
Rồi đến công đoạn phục dựng lối thêu, họa tiết hoa văn trên áo bào cung đình xưa từ quỷ ba, gấu áo cho đến cổ áo... Không chỉ là cách thêu cầu kỳ, mũi thêu đều tăm tắp mà còn phải đúng, đủ, cân đối kể cả màu sắc lẫn hình thể. Phúc hậu, cát tường, uy nghi phải hội tụ tất cả trên áo bào của vua chúa. Một quả ngọc châu hay một chùm vân đang bay thêu trên vạt áo, sẽ khác vai áo, cổ áo, thủy ba…
Trong 5 năm trời từ 1993-1998, ông Giỏi vừa làm sản phẩm thêu thương mại, vừa tập hợp nhóm thợ để mày mò phục dựng kỹ thuật thêu thùa may vá cho ông hoàng bà chúa khi xưa. Thất bại lại làm lại, 20 cái áo long bào phục dựng hỏng là 20 lần ông rút ra những bài học quý giá cho mình.
Những sản phẩm phục dựng được nghệ nhân Vũ Giỏi trưng bày |
Ông chia sẻ: “Thời ấy, tôi nghĩ nó cũng là cái mê muội, ngồi nghĩ lại cũng thấy “hâm hâm”. Ngày ấy gia đình điều kiện không có, bao cấp khó khăn, đói, khổ, túng thiếu. Xã hội lúc ấy đang phát triển, công việc nhiều mà lại chúi đầu vào cái áo. Cái đấy nói hay là bản lĩnh, nói trắng là cố tình, dù biết “có thể chết bị ăn đánh” nhưng vẫn cố tình. Cũng may cái đó là cái duyên và nghiệp. Khi hồi phục lại những văn hóa xưa, tâm linh của các vua chúa chỉ đường cho mình làm. Có những thứ dùng tiền để mua mà cũng không được”.
Mẫu thêu vân rồng uyển chuyển, lấp lánh có chiều sâu |
Trong quá trình tìm hiểu, phục dựng, ông Giỏi đã truyền lại cách thêu đúng với từng loại hoa văn cổ trong cung phục cho những thợ thêu lành nghề trong làng. Từ khi phục dựng thành công chiếc áo long bào đầu tiên, đến nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cùng nhóm thợ đã làm được hàng chục bộ trang phục cung đình, từ áo vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa. Tiêu biểu trong số đó là các bộ long bào của vua Đồng Khánh, Bảo Đại, Tự Đức, hoàng thái tử, hoàng hậu.. Những tác phẩm này hiện được trưng bày tại bảo tàng cung đình Huế.
Nhờ công phục dựng nghệ thuật thêu cung đình, cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2013 và nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016.
Danh hiệu cao quý nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đạt được nhờ nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa cha ông |
Trong hiện tại và tương lai, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi lại tiếp tục đi theo hành trình vua cha dẫn lối chỉ đường, tìm về những dấu nét cổ xưa trong vạt áo bào quyền uy các thời kỳ khác. Ông đã tìm đọc lại những tư liệu lịch sử và bắt tay vào làm những bước đầu tiên trong giai đoạn mô phỏng linh hồn áo bào của triều Trần, Mạc.
(Còn tiếp...)