Quảng Nam: Phục hưng “Vương quốc dâu tằm nổi tiếng xứ Đàng Trong”
Trao giấy phép đầu tư Dự án dâu tằm tại Quảng Nam cho Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ |
Mảnh đất Quảng Nam từng là nơi trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng của xứ Đàng Trong, sự hưng thịnh của nghề ươm tơ diệt lụa Xứ Quảng kéo dài ít nhất 3 thế kỷ. Đến thời Pháp thuộc vẫn là cái nôi tơ tằm của Đông Dương.
Người Pháp đã từng đầu tư Nhà máy ươm tơ dệt lụa lớn nhất Đông Dương tại Giao Thủy, Đại Lộc. Sau giải phóng, tơ lụa Quảng Nam vẫn nổi tiếng, những người Quảng vào Sài Gòn lập nghiệp tập trung lại thành một khu và làm nên làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, nay thuộc quận Tân Bình, TP HCM.
Tuy nhiên, nghề trông dâu nuôi tằm – ươm tơ dệt lụa tại Quảng Nam chỉ tồn tại đến những năm 1980 thì lụi dần và lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều làng nghề, vùng đất ven sông Vu Gia - Thu Bồn từng là xứ trồng dâu nuôi tằm rộng lớn dần phá sản. Những làng nghề dệt nổi tiếng như Mã Châu khung cửi cũng đã thôi quay tơ dệt lụa. Nhiều gia đình bỏ nghề, bỏ xứ đi, hoặc chuyển đổi nghề để sinh nhai và những biền dâu xanh trải rộng kéo dài ven sông Vu Gia, Thu Bồn dần biến mất.
Phục hưng nghề dệt lụa truyền thống tại Làng Lụa - Hội An |
Để phục hồi lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tỉnh Quảng Nam vừa quy hoạch lại diện tích trồng dâu nuôi tằm ven sông Vu Gia và Thu Bồn nằm trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: Huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thị xã Điện Bàn, với tổng diện tích lên đến 2.500 ha.
Ngày 17/6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chính thức trao Giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ, thuộc Công ty KBL Hoa Kỳ. Theo đó, công ty này sẽ tăng vốn đầu tư, ký kết hợp tác với các đối tác để chuẩn bị sản xuất con giống và ươm tơ dệt lụa tại khu công nghiệp Đại Hiệp, huyện Đại Lộc.
Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, sẵn sàng hỗ trợ Quảng Nam về kỹ thuật, đào tạo lao động sản xuất theo mô hình kỹ thuật và công nghệ mới; sẵn sàng ký kết với nông dân để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hiệp hội cũng đề nghị, nếu phát triển bền vững nghề dâu tằm tại Quảng Nam thì Quảng Nam cần quy hoạch các vùng chuyên canh để sản xuất tập trung.
Tỉnh Quảng Nam vừa quy hoạch lại diện tích trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích lên đến 2.500 ha. |
Sau khi được trao Giấy phép, Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ mong muốn phát triển diện tích vùng trồng dâu đến hơn 2.000 hecta và giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 5.000 lao động nông thôn.
Để có bước đệm phát triển mang tính bền vững, Ngân hàng Công thương Vietinbank Quảng Nam đã ký cam kết hỗ trợ tín dụng cho các Hợp tác xã (HTX) và nông dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn Quảng Nam. Công ty King Sgold cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX trồng dâu nuôi tằm.
Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hội An Silk Group cho biết, nếu chúng ta đầu tư bài bản, và hỗ trợ người nông dân từ vốn, con giống, kỹ thuật, tôi tin rằng không chỉ phục hưng được nghề truyền thống, mà còn mang lại kinh tế dồi dào cho người nông dân.