Quảng Nam: Doanh nghiêp đón chờ thị trường khách du lịch từ Ấn Độ
Du khách tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) |
Những năm gần đây, Quảng Nam là điểm hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham qua và du lịch, đặc biệt là 2 di sản văn hóa thế giới và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Tuy nhiên, do dịch SARS-CoV-2, khiến Lượng du khách trong thời gian qua đến với tỉnh này giảm mạnh. Hiện, nhiều doanh nghiệp của địa phương này phải giồng mình tìm cách khắc phục khó khăn. Trong đó, việc tìm kiếm thị trường khách du lịch mới đang được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là lượng du khách đến từ Ấn Độ.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, năm 2019, thị trường khách Ấn Độ đã đạt 169 nghìn lượt, vươn lên vào tốp 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này rất cao (+27,7%), cao thứ 3 trong số các thị trường khách của du lịch Việt Nam, sau Thái Lan (+45,9%, đạt 510 nghìn khách) và Đài Loan (+29,8%, đạt 927 nghìn lượt). Đặc biệt, thị trường này đạt tốc độ tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm: tháng 10 (+39,7%), tháng 11 (+40,4%) và tháng 12 (+50,9%) so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, giai đoạn 2015-2019, có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,7%, từ 65,6 nghìn lượt khách năm 2015 đến 169 nghìn lượt năm 2019.
Đặc biệt, tháng 5/2020, Ấn Độ sẽ có chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng, quá đó, hành động trên không chỉ mở ra cơ hội kết nối giao thông thuận lợi giữa hai thị trường, mà còn giúp cho các doanh nghiệp giải quyết khó khăn hiện nay khi lượng du khách đa phần là thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam đang chuyển hướng tiếp cận thị trường khách Ấn Độ |
Tổng cục du lịch nhận định, Ấn Độ là thị trường đông dân, có quy mô rất lớn và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng cao, là một thị trường hướng ngoại hấp dẫn mà nhiều quốc gia hướng đến. Đồng thời, đối với khu vực ASEAN, Ấn Độ đánh giá cao vai trò của khu vực và có định hướng cần tăng lượng khách trao đổi từ khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, du lịch Việt Nam cần quan tâm hơn nữa tới công tác xúc tiến và thu hút thị trường khách hấp dẫn này.
Ngoài ra, Hiệp hội du lịch cũng đã lên phương án tìm các thị trường mới để thu hút nguồn du khách mới. Trong đó, Hiệp hội đang hướng đến lượng du khách đến từ Ấn Độ và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết , Hiệp hội đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam tìm ra phương hướng tăng cường kết nối thị trường, nhầm kích cầu cho du lịch của địa phương.
“Sau khi hết dịch Covid-19, Hiệp hội du lịch cũng đang nghiên cứu vấn đề tích cầu cho doanh nghiệp. Trong đó, hội chú trọng đến việc kích cầu vỹ mô và quy mô. Trong đó, hội sẽ là cầu nối cho các cơ sở doanh nghiệp kết nối với nhau”, bà Thủy thông tin.
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch hiện nay, sở cũng đã lên phương án để nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có, và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.
Để tạo đà cho việc kích cầu, sở cũng đã đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn cho khách du lịch có lưu trú tại Quảng Nam thông qua các cơ sở lưu trú.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Điều Công ty lữ hành Hoi An Travel (TP Hội An) cho biết, đơn vị đang thực hiện 5 chương trình kích cầu, để thu hút lượng khách du lịch từ thị trường mới này. Qua đó, các chương trình này sẽ chia làm 2 giai đoạn đó là từ nay cho đến ngày 31/6, Công ty sẽ tiến hành giảm 25% cho một gói dịch vụ trước đây. Từ tháng 7 trở về sau khi dịch SARS-CoV-2 đã được khống chế, công ty tiến hành giảm 15% cho mỗi gói dịch vụ.