Nghệ sĩ phải "nhìn trước, ngó sau" khi quảng cáo trên mạng

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi công văn đến các cấp, ban, ngành liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý, công văn nhấn mạnh việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của các nghệ sĩ trên mạng xã hội.
Quảng cáo thổi phồng viên sủi SHIOKA, NSND Hồng Vân xin lỗi, còn Vân Dung, Thanh Hương thì sao? Hàng loạt nghệ sĩ quảng cáo "nổ" sản phẩm SHIOKA: Vân Dung trưng phiếu siêu âm "lởm" của bệnh viện Phụ sản Khi nghệ sĩ dùng uy tín để lan tỏa những điều tốt đẹp

Trong công văn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá cao những hoạt động nghệ thuật trên toàn quốc được thực hiện đúng quy định pháp luật. Các nghệ sĩ ra mắt những sản phẩm chất lượng, nâng cao đời sống tinh thần và đóng góp nhiều cho cộng đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ, gần đây một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.

Từ thực tiễn trên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động diễn ra trên địa bàn.

Nghệ sĩ phải
Nghệ sĩ Hồng Vân đã công khai xin lỗi vì "nổ" tác dụng của viên sủi Shioka

Liên quan đến việc nghệ sĩ Việt quảng cáo sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội, từng trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Lan Phương (chuyên gia pháp lý của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) bày tỏ quan điểm việc quảng cáo trên YouTube, Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác.

Theo bà Phương, quảng cáo "onlline" thì cũng phải chịu sự quản lý của Luật quảng cáo chứ không phải chỉ quản lý chung chung theo Nghị định 72 và Nghị định 27 sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Intenet và thông tin trên mạng như hiện nay. Về bản chất nó vẫn là quảng cáo, chỉ là phương tiện, công cụ đăng phát quảng cáo là trên các nền tảng mạng thay vì trên báo chí, phát thanh truyền hình... nên nó phải được quản lý bởi Luật quảng cáo.

Các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh... phải được cấp phép chứ không phải chỉ chịu sự "kiểm duyệt" của các nền tảng mạng như YouTube, Google... như hiện nay. Cục An toàn thực phẩm, Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế cần phải vào cuộc xử lý mạnh tay những trường hợp quảng cáo "thần y", "thần dược" sai sự thật để răn đe, thậm chí cần xử lý hình sự trong những trường hợp quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Gần đây, việc nghệ sĩ trực tiếp quảng cáo trên các nền tảng xã hội lại "nóng" lên. Nhiều hình ảnh, clip quảng cáo sai sự thật, trong đó có những clip quảng cáo chữa bệnh được cơ quan chức năng phanh phui khiến dư luận bất bình. Nhất là những quảng cáo có sự góp mặt của các diễn viên, người mẫu nổi tiếng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp những hậu quả có thể xảy ra đối với người tiêu dùng…

Chúng ta rất dễ bắt gặp các hình thức quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng YouTube, Facebook, Zalo… Với đủ loại sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo tâng bốc quá mức so với chức năng thực tế gây hiểu nhầm cho người sử dụng.

Chính vì vậy, công văn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật là thật sự cần thiết và kịp thời "ngăn ngừa" những hệ lụy không đáng có từ những hoạt động quảng cáo trên nền tảng xã hội.

Thiết nghĩ, người tiêu dùng chỉ nên mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, tại các cửa hàng có uy tín, kiểm tra thông tin sản phẩm qua mã vạch bằng cách quét mã UPC của sản phẩm. Trước khi quyết định mua sản phẩm nên tìm hiểu thông tin về tình trạng lưu hành của sản phẩm. Nếu người tiêu dùngcó nghi ngờ về sản phẩm nên phản ảnh kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng để được đảm bảo quyền lợi.

Hoa Thành
Phiên bản di động