Quận Bắc Từ Liêm: Kết nối các chuỗi giá trị để phát triển công nghiệp văn hóa
"Đánh thức" di sản bằng những quyết tâm sáng tạo Cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp |
Nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa
Chiều 27/8, Hội thảo khoa học “Di sản văn hoá Bắc Từ Liêm, Làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hoá, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố Sáng tạo” đã diễn ra tại quận Bắc Từ Liêm, quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Phát biểu đề dẫn, TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay, các di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, miếu, phủ, văn chỉ, nhà thờ họ... cùng các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian, phong tục tập quán... giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng.
Đây còn còn được xem là một nguồn lực quan trọng để kết nối chuỗi giá trị văn hoá, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố Sáng tạo. Ở nhiều địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã biến các di sản này thành những sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan và khám phá, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương và quốc gia.
TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu |
Theo ông Tuấn, tại Bắc Từ Liêm, trên nền tảng văn hóa của vùng đất “tứ chiếng”, Từ Liêm trước đây và nay là Bắc Từ Liêm đã hình thành các giá trị văn hóa tiêu biểu như: Truyền thống hiếu học với nhiều tài năng đã đỗ đạt cao trong các kỳ thi, đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước của làng khoa bảng Đông Ngạc, hệ thống di tích đình, đền, miếu, nhiều lễ hội, phong tục tập quán truyền thống phản ánh tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng của người dân.
Bắc Từ Liêm cũng là nơi hình thành nhiều làng nghề thủ công tiêu biểu, phản ánh nét tài hoa, khéo léo của con người nơi đây. Với nét đẹp văn hóa kết tinh ven dòng chảy của sông Hồng, hội tụ nhiều giá trị văn hiến của kinh đô Thăng Long, Bắc Từ Liêm ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn, lưu giữ, phát huy và kết nối chuỗi giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch.
“Bối cảnh đô thị hóa, phát triển đô thị cùng với chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa và Thành phố Sáng tạo đã và đang đặt ra yêu cầu đối với các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; giúp cộng đồng duy trì và phát huy được các nguồn lực văn hoá, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời, hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị đến giá trị di sản” – TS Bùi Văn Tuấn nói.
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, thực hiện Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”; Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm đã triển khai bằng những chương trình và kế hoạch cụ thể.
Quận đã coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Chuyên đề số 05-CĐ/QU ngày 28/12/2016 về phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Điều này thể hiện tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa trong ngành kinh tế du lịch của quận Bắc Từ Liêm.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm |
Với những chủ trương đó, những năm gần đây, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh của quận Bắc Từ Liêm đã và đang phát huy có hiệu quả. Cùng với đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích đã và đang thu hút sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng Nhân dân. Nhiều nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, tri thức dân gian đã được phục hồi và phát huy mạnh mẽ. Các lễ hội truyền thống được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch.
Cần khai thác tốt hơn nữa tuyến du lịch sông Hồng
Tham dự Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá Bắc Từ Liêm có nguồn di sản văn hóa giàu có, đa dạng, trong đó nhiều di sản được xếp hạng cao và được bảo tồn tương đối tốt. Tuy nhiên, cho tới nay, việc phát huy nguồn di sản đó cho phát triển du lịch ở Bắc Từ Liêm vẫn còn hạn chế.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo |
Theo TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, hiện nay, du lịch văn hóa được xác định là một trong 12 lĩnh vực được ưu tiên trong quá trình thực hiện công nghiệp văn hóa. Bắc Từ Liêm với lợi thế là vùng đất cổ, có nhiều di sản văn hóa nên cần xác định lợi thế này để phát huy, gắn kết với du lịch. Thủ đô Hà Nội đang tiến hành công nghiệp văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo của một thành phố nằm trong mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Nguồn tài nguyên phong phú của Hà Nội nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng chính là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội |
“Trong các di sản văn hóa cần xác định những giá trị cốt lõi để hình thành không gian lịch sử - văn hóa của quận. Bắc Từ Liêm cần khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận của quận, kết nối với các địa phương bên cạnh để hình thành và kết nối các tour du lịch đường sông” - TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, quận cần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích; phục hồi, nhiều nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, tri thức dân gian. Tiếp đến, việc khôi phục các lễ hội truyền thống không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm kinh doanh phát triển du lịch.
Cần xây dựng làng cổ Đông Ngạc thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia Hội thảo đặc biệt quan tâm đến việc khai thác di sản văn hóa (nhất là văn hóa tâm linh) phục vụ phát triển du lịch mà trọng tâm là du lịch sông Hồng, du lịch kết nối; biến tiềm năng thành động năng, nguồn lực thành động lực, tài nguyên thành tài sản phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch và phát triển đô thị sáng tạo.
Tại Hội thảo, có đến 5 báo cáo tập trung giới thiệu về văn hóa, di sản văn hóa và phát triển du lịch làng Đông Ngạc. Mọi người đều có thể nhận ra một cách dễ dàng làng Đông Ngạc là làng cổ tiêu biểu bậc nhất của cả nước lại được bảo tồn gần như nguyên trạng ngay ở giữa trung tâm đô hội đang đô thị hóa với tốc độ phi mã. Đây là một kỳ tích, nhưng để giữ vững và phát huy tốt kỳ tích này, chúng ta phải nghĩ đến một kế hoạch xây dựng làng cổ Đông Ngạc thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia và bảo tồn phát huy giá trị của làng cổ Đông Ngạc theo đúng Luật Di sản văn hóa. (GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) |