Cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa

Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa. Việc Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” đã thể hiện sự quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong vấn đề đưa Hà Nội trở thành Thành phố toàn cầu. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua với nhiều quy định mới, đặc thù càng tạo điều kiện để Hà Nội phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp Văn hóa, con người – nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô Khai thác, phát huy hiệu quả không gian văn hóa Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa Công nghiệp văn hoá gắn với Nông thôn mới - điểm sáng ở Thường Tín

Tạo hành lang pháp lý

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua có nhiều nội dung theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô. Điều này giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ.

Cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa
Khu vực Bãi Giữa sông Hồng sẽ có điều kiện phát triển nhờ những chính sách, quy định đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua

Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

UBND TP. Hà Nội thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai; đồng thời, bảo đảm định hướng được nêu trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về "Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch".

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính sách đặc thù được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô có những quyết sách sớm, điều chỉnh ngay những bất hợp lý. Ngoài ra, để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Luật cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục...

Đồng thời, ông cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa. Đó là xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch.

Tạo điều kiện để văn hóa Hà Nội tỏa sáng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hay trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; từ đó, tạo ra những thuận lợi để cho lĩnh vực văn hóa có được những bước phát triển mới.

Cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa
Những không gian văn hóa sáng tạo trong thời gian tới sẽ được mở rộng

Một trong những điều mà ông ánh giá rất là cao, rất tích cực trong Luật Thủ đô lần này, đó là những quy định về văn hóa. “Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Trong khi đó, các khuôn khổ pháp lý của Luật Thủ đô hiện hành không còn phù hợp với xu thế phát triển đất nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn cho cả đất nước.

Cơ hội để Hà Nội phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa
Văn hóa Hà Nội sẽ tiếp tục tỏa sáng, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hóa Thủ đô

“Chúng ta đều biết, Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta có Nghị quyết 09-NQ/TU về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô và để cho vấn đề này đi vào thực tiễn cuộc sống, thì những điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trong Luật Thủ đô thực sự sẽ giúp cho những quan điểm, chủ trương này được thực hiện tốt hơn” – Đại biểu Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Thái Sơn
Phiên bản di động