"Đánh thức" di sản bằng những quyết tâm sáng tạo

Trong công cuộc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của mình, cả hệ thống chính trị Hà Nội đang vào cuộc, "đánh thức" di sản, tạo nên những sản phẩm mới bằng quyết tâm sáng tạo và tình yêu vô bờ với mảnh đất này.
Trưng bày chuyên đề "Một thoáng di sản" Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần xem xét đến di sản đô thị, di sản công nghiệp Xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Biến di sản thành nguồn lực

Năm 2016, khi Chính phủ ban hành chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các thành phố lớn ở Việt Nam đã tích cực tham gia.

Trong sự chuyển động vì mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội luôn khẳng định vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các cơ quan, đơn vị cũng như doanh nghiệp, nghệ nhân, nghệ sĩ.

Không gian bích họa Phùng Hưng
Không gian bích họa Phùng Hưng

Trong khi đó, Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 “Về phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Điều này thể hiện quan điểm của Hà Nội xác định phát triển CNVH góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Do đó, Hà Nội luôn chú trọng gắn kết giữa phát triển các ngành CNVH với xây dựng và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Nổi bật thời gian qua, Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo đa lĩnh vực, trong đó có những trung tâm tập trung vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo như VICAS Arts Studio (Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Heritage Space (không gian nghệ thuật đương đại và sáng tạo); Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD; Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA)…

Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm
Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm

Tại các không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa phố Phùng Hưng, khu vực phố cổ như Đình Kim Ngân, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn... diễn ra nhiều hoạt động trình diễn văn hóa sôi nổi, độc đáo trong suốt nhiều năm qua.

Lối vào Đình Kim Ngân
Lối vào Đình Kim Ngân

Đặc biệt, Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất hứa hẹn sẽ mang tới trải nghiệm lí thú cho người dân Thủ đô và du khách. Cùng với các hoạt động ý nghĩa, lễ hội vừa góp phần tôn vinh loài hoa đặc trưng của Hà Nội, vừa quảng bá các sản phẩm OCOP đồng thời lan tỏa nét đẹp của làng nghề, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ.

Nghệ thuật ướp trà sen Tây Hồ
Nghệ thuật ướp trà sen Tây Hồ

Những sản phẩm từ sen cũng sẽ trở thành mặt hàng, là "tấm danh thiếp" giới thiệu văn hóa, đặc sản của Tây Hồ, Hà Nội, theo chân những du khách đi tới mọi miền Tổ quốc và lan xa ra thế giới. Nghệ thuật ướp trà sen, những sản phẩm từ sen trước đây có thể chỉ được "truyền miệng" và được quảng bá nhỏ lẻ thì nay đã có một lễ hội của riêng mình để cùng nhau khoe sắc, tỏa hương.

Sự tham gia tích cực của các đơn vị, nhà quản lý, doanh nghiệp, cá nhân có thể thấy qua việc rất nhiều di tích đã thức dậy, nhiều làng nghề tưởng mai một cũng hòa vào nhịp đập khẩn trương, vui tươi, tham gia tích cực vào công cuộc chuyển mình và trở thành điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt

Có thể kể đến nghệ nhân Hà Thị Vinh với Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt có kiến trúc độc đáo được lấy ý tưởng từ một chiếc lò bầu nung gốm cổ cách điệu, trở thành điểm nhấn đặc sắc, không ai có thể bỏ qua khi đến với làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Bỏ nhiều công sức đi nhiều nơi trên thế giới để học cách nhân loại kể những câu chuyện mà họ tự hào về quê hương họ ra sao, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, hậu duệ đời thứ 15 trong dòng họ có truyền thống làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng đã biến ước mơ thành hiện thực.

Hòa quyện tình yêu làng nghề, khát vọng đưa làng nghề vươn xa với niềm tự hào và tài năng, tâm huyết, bảo tàng gốm sứ Bát Tràng là một trong những minh chứng mạnh mẽ về việc chúng ta có thể làm nhiều hơn thế nữa cho ngành CNVH của Thủ đô bằng những ý tưởng mạnh dạn và sáng tạo.

Làm nên những sản phẩm từ quyết tâm sáng tạo

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ trương xuyên suốt của Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ là phải khai thác và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống cũng như những giá trị văn hóa mới của Thủ đô.

Giữa việc tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo và phát triển CNVH có sự liên kết với nhau tạo thành chuỗi, hoạt động này thúc đẩy hoạt động kia từ đó tạo nên sự chuyển biến trên hầu khắp các lĩnh vực, bước đầu có những kết quả rất đáng mừng.

Sản phẩm du lịch về đêm của Hà Nội
Sản phẩm du lịch về đêm của Hà Nội

Hà Nội hiện đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới.

Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.

Làm thế nào để tất cả những điều đó có thể cùng hòa nhịp vào công cuộc phát triển CNVH thì rất cần bàn tay, khối óc, sự chung tay sáng tạo, đoàn kết, hướng tới mục tiêu chung biến di sản thành nguồn lực.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân; 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hóa di sản - sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 doanh nghiệp sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

Điều này mang đến cho thành phố những ưu thế to lớn trong khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo cũng như làm giàu bản sắc, sức hấp dẫn cho đô thị trên nền các giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn xây dựng và triển khai chương trình hành động trung, dài hạn với nhiều nội dung như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo; thiết lập dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo...

Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các chính sách của thành phố với thúc đẩy sáng tạo như: tọa đàm hợp tác công - tư thúc đẩy sự phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội; xây dựng các chương trình, dự án nuôi dưỡng tài năng, kích thích năng lực sáng tạo; tổ chức các sự kiện văn hóa và thiết kế quy mô lớn như: LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF); tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu - đông, các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ; các lễ hội văn hóa - nghệ thuật...

Trong khi đó, chuỗi 15 sản phẩm du lịch về đêm giúp du lịch Hà Nội có những đột phá tăng trưởng, đồng thời quảng bá nét đẹp của Hà Nội, tăng cường tuyên truyền về truyền thống văn hóa, lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Đó là tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour đêm hồ Hoàn Kiếm... cùng với các công nghệ hiện đại như công nghệ thực tế ảo, 3D mapping tạo ra sức sống mới, tương hỗ với sức sống của di tích, đặc biệt phù hợp với thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, với việc tiếp cận thị trường và nền tảng sẵn có là hồn cốt của di tích, câu chuyện của di tích, 3 yếu tố đó cộng lại một cách nhuần nhuyễn đã tạo nên những sản phẩm mới.

Những sản phẩm đó chính là công nghiệp văn hóa, sâu xa hơn nữa chính là giáo dục được ý thức, tình yêu đối với quê hương, dân tộc thông qua những di tích, hòa điệu với nhu cầu, gu thưởng thức của mỗi thế hệ, mỗi đối tượng.

Tin rằng, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự vào cuộc, quyết tâm, đồng lòng của toàn thể lãnh đạo, các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, cá nhân nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc học hỏi, nghiên cứu, biết mình biết ta, nắm bắt thị hiếu khán giả, chúng ta sẽ có được những thành quả cao hơn của ngành CNVH Thủ đô trong thời gian tới.

Hương Thu
tuoitrethudo.vn
Phiên bản di động