Quả vải Hải Dương: Nội tiêu và xuất khẩu đều thuận lợi
Xây dựng kế hoạch vùng sản xuất an toàn
Từ tháng 12/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Hải Dương ban hành “Kế hoạch xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ rau, trái cây tỉnh Hải Dương năm 2021”; đồng thời phối hợp với huyện Thanh Hà, TP Chí Linh triển khai ngay các công việc cần thiết để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore,... năm 2021.
Kết quả, toàn tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 137 vùng trồng và được cấp 137 mã số vùng trồng vải xuất khẩu, tổng diện tích 9.181ha. Trong đó: 98 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc; 17 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ; 4 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Úc, New Zealand; 11 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật bản và 7 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan.
Hướng dẫn kỹ thuật, định hướng loại thuốc BVTV phù hợp
Từ đầu vụ, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đã xây dựng và ban hành hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh vải năm 2021 để các địa phương làm căn cứ lựa chọn loại thuốc BVTV phù hợp để định hướng cho đại lý kinh doanh và nông dân phòng trừ sâu bệnh đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho gần trên 50 cán bộ kỹ thuật cấp huyện, xã; 80 đại lý kinh doanh vật tư thuốc BVTV và trên 5.000 hộ nông dân tham gia kế hoạch; đã triển khai thành công 50ha vải Global G.A.P; làm tốt công tác truy suất nguồn gốc và ghi chép nhật ký điện tử; đã xây dựng và triển khai thành công 2 mô hình thử nghiệm thuốc và lựa chọn được 5 loại thuốc BVTV mới có hiệu lực cao trong phòng trừ sâu bệnh và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu,..
Giám sát chặt chẽ vùng trồng phục vụ xuất khẩu
Ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cho từng cán bộ kỹ thuật bám sát từng vùng trồng để hướng dẫn và kiểm tra công tác chỉ đạo và tư vấn sử dụng thuốc BVTV trong vùng xuất khẩu.
Theo đó, 450ha vải xuất khẩu đã được giám sát chặt chẽ. Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cùng với các địa phương, các công ty lấy 50 mẫu vải gửi đi phân tích, giám định dư lượng thuốc BVTV.
Kết quả, các mẫu quả vải nằm trong vùng xuất khẩu đều không có các chất cấm và dư lượng các thuốc BVTV cho phép đều ở dưới ngưỡng quy định, nhiều mẫu không còn dư lượng thuốc BVTV do vậy sản phẩm vải ở các vùng quy hoạch đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản, Sigapore,...
Công tác chuẩn bị các điều kiện khác phục
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của từng thị trường; hướng dẫn và hỗ trợ các công ty đầu tư, nâng cấp nhà xưởng, khu sơ chế, đóng gói, buồng hun trùng vải xuất khẩu.
Qua đó, Hải Dương có 3/5 cơ sở đóng gói và 4/6 buồng hun trùng vải xuất khẩu đi Nhật Bản; có 67 cơ sở đóng gói vải được cấp mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu. Trong đó, 63 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Trung Quốc; 1 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Mỹ, 2 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Úc, Newzealand; 1 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Thái Lan.
Phối hợp và thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí
Ngành đã chủ động phối hợp và thường xuyên cung cấp thông tin cho trên 30 cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương (Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, báo Hải Dương, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Truyền hình Thông tấn, Báo Pháp luật và Đời sống, VOV...) về tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu vải... ngay từ đầu vụ sản xuất đến khi kết thúc vụ thu hoạch, đã giúp việc quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà - Hải Dương được thuận lợi.
Tỉnh Hải Dương đã tổ chức thành công chương trình mở vườn hái vải xuất khẩu và công bố xuất khẩu vải Hải Dương đi Nhật Bản, Mỹ, Úc, Sigapore , …
Mở rộng kết nối tiêu thụ
Ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời và kết nối nhiều doanh nghiệp lớn đến thu mua, xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore như: Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và DV Rồng đỏ, Công ty Toàn Cầu, Công ty Bamboo, Công ty TNHH Thực phẩm RODO, Công ty Chánh Thu, Công ty CP Nafood, Công ty Hùng Sơn, Công ty Long Thành, Công ty Thanh Hà, ...
Vải thiều Thanh Hà |
Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công thương và các đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vải thiều Hải Dương lên các sàn thương mại điện tử (Alibaba.com, Ladaza.com, voso.vn, postmart.vn và Sendo.vn); đã làm việc với các hệ thống bán buôn và cung ứng vải cho các siêu thị lớn: Big C, Metro, Vinmart, Lanchi Mart, BigGreen, Bác Tôm, … để kết nối, tiêu thụ vải tại hệ thống siêu thị trên toàn quốc; đã làm việc với các đầu mối thu mua vải xuất khẩu đi Trung Quốc (công ty Hưng Việt, Công ty nông sản Hải Dương, HTX Hoàng Nam Phát, Công ty Phúc Cường và các thương lái thu mua vải) để xuất khẩu vải đi Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Thành quả trĩu mọng
Tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh Hải Dương thu hoạch và tiêu thụ 28 - 29 ngàn tấn vải (bằng 85% sản lượng vải sớm và bằng 55% sản lượng vải toàn tỉnh).
100% các lô vải của Hải Dương xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của thị trường nhập khẩu. Dư lượng thuốc BVTV đều dưới ngưỡng cho phép và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Giá bán quả vải tỉnh Hải Dương tại Nhật Bản từ 350 ngàn đến 500 ngàn đồng/kg. Giá doanh nghiệp thu mua vải u trứng trắng đầu mùa 60 - 100 ngàn đồng/kg; vải u hồng: 15 - 30 ngàn đồng/kg; Vải lai Thanh Hà 20 - 25 ngàn đồng/kg; vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được doanh nghiệp tiêu thụ mua ổn định 22 - 28.000đ/kg; vải bán cho hệ thống cửa hàng nông sản sạch 25 - 40 ngàn đồng/kg. Cá biệt có nơi sản xuất theo hướng hữu cơ bán 50.000đ/kg; Giá bán vải trên sàn giao dịch thương mại điện tử: 25 - 28.000đ/kg. Riêng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản bán trên sàn Ladaza: 100 - 150.000đ/kg.
Qua đó, có thể thấy việc tiêu thụ vải của tỉnh Hải Dương thuận lợi. Giá quả vải Thanh Hà - Hải Dương luôn cao hơn từ 10 - 15 ngàn đồng/kg so với vải các nơi khác ở cùng thời điểm thu mua.