Phụ huynh đòi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Bộ GD&ĐT nói không thể
Ban phụ huynh trong nhà trường: "Phương tiện" hợp thức hóa lạm thu? Lạm thu đầu năm học mới: Xử lý nghiêm hiệu trưởng để làm gương |
Khi biết câu chuyện một người mẹ có con học lớp 10 trường THPT Trương Định (Hà Nội) bị các phụ huynh khác lăng mạ, mỉa mai khi từ chối đóng tiền tự nguyện 700.000 đồng, chị Nguyễn Thị Hoài Thương (Nhân Chính, Hà Nội) rất bức xúc về việc hành xử thiếu văn minh và tôn trọng của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đó.
Phụ huynh đòi bỏ
Chị Thương cho rằng, với người có hoàn cảnh khó khăn thì đó là một số tiền lớn. Khi phụ huynh có ý kiến thì nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp nên lắng nghe, tôn trọng và điều chỉnh phù hợp.
Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, là tiếng nói đại diện của các phụ huynh khác; không thể lấy ý chí của một vài người đứng đầu mà áp đặt lên đại đa số phụ huynh trong lớp.
"Một khi không làm đúng với chức năng thì nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh", chị Thương đề xuất và cho rằng chúng ta đang dạy con cái sống nhân văn, biết yêu thương và tôn trọng mọi người xung quanh nhưng chính bậc làm cha, làm mẹ lại có cách hành xử đi ngược lại với lời rao giảng ấy.
(Ảnh minh hoạ: H.C) |
Anh Trần Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) từng rơi vào hoàn cảnh như phụ huynh trường THPT Trương Định. Anh cho biết, mỗi dịp đầu năm học, gia đình lại có một phen chóng mặt với những khoản tiền dự trù do Ban đại diện cha mẹ học sinh kê khai (tặng quà cô ngày 20/11, 20/10, 8/3; tổ chức dã ngoại tham quan; hỗ trợ học sinh gia đình khó khăn; tiền bồi dưỡng giáo viên dạy thêm giờ...).
Nếu lớp có khoảng 35-40 học sinh, dù một vài phụ huynh phản đối các khoản đóng góp thì ý kiến thiểu số ấy luôn bị gạt sang một bên. Khi mà đại đa số các phụ huynh đồng ý nộp quỹ thì "auto" các khoản dự trù chi sẽ được thông qua hợp lệ. Điều này khiến phụ huynh rơi vào thế khó, không nộp không được mà nộp tiền thì lòng đầy ấm ức.
Nhiều phụ huynh từng nói "việc đóng góp quỹ lớp là tự nguyện nhưng trên tinh thần ép buộc". Đây không đơn thuần chỉ là một câu nói đùa, ở góc độ nào đó lại là sự thật mà hầu hết phụ huynh có con đi học gặp phải.
Anh Công đề nghị, nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh không thay đổi cách làm việc và lối tư duy hình thức, lạm thu như hiện nay thì nên dẹp bỏ để tránh tạo thêm áp lực, gánh nặng cho phụ huynh khác.
Các phụ huynh cũng cho rằng, việc Ban đại diện cha mẹ học sinh lạm thu, thu sai quy định tồn tại nhiều năm trở lại đây. Cứ vào đầu năm học mới là câu chuyện này lại gây tranh cãi, bức xúc dư luận. Cần có những biện pháp mạnh tay hơn để xử lý hoặc có thể xoá bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh để giảm những nỗi lo toan mỗi mùa khai trường.
Bộ GD&ĐT nói không
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, tại Điều 10, Thông tư 55 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT nêu rõ:
"Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường".
Như vậy, các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện ủng hộ, không được phép tính bình quân chia đầu người để thu tiền.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không được thu các khoản tiền không phục vụ cho hoạt động của hội phụ huynh. Nơi nào thu là nơi đó sai. Thậm chí việc thu tiền ủng hộ để mua một bó hoa tặng thầy cô cũng là không đúng với quy định", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT. |
Về tranh cãi nên giữ hay bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định: "Không thể bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh". Trong Luật Giáo dục sửa đổi và các thông tư có quy định rõ chức năng và vị trí quan trọng của phụ huynh trong việc phối hợp thực hiện các công tác giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
"Chúng ta không thể vì một vài trường hợp bất thường mà vội vàng đòi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh", ông Thành nhấn mạnh.
Câu chuyện vị phụ huynh (nhà trường xin được giấu tên) vì không đóng tiền tự nguyện bị lăng mạ, con bị bạn bè bêu xấu thu hút sự quan tâm của nhiều người thời gian qua.
Khi Hội phụ huynh lớp đề nghị mỗi em đóng 1,5 triệu đồng tiền quỹ. Một số phụ huynh không đồng ý vì cho rằng số tiền này quá cao và có một số khoản không thật sự cần thiết như: phí tổ chức Đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ...
Không nhận được sự đồng thuận, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp hạ mức ủng hộ xuống 700.000 đồng. Tuy nhiên, vị phụ huynh vẫn không đồng ý vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chị chỉ đồng ý đóng 237.000 đồng (bao gồm 100.000 tiền photo và 137.000 cho tiền sinh hoạt lớp) vì cho rằng hai khoản tiền là xác đáng và phục vụ cho việc học của con.
Tuy nhiên, sau đó, con chị tới trường bị các bạn cùng lớp trêu chọc khi “chỉ đóng hơn 200.000 đồng tiền quỹ”. Thậm chí con không dám đi học vì bị bạn bè xa lánh, dè bỉu. Bức xúc, vị phụ huynh phản ánh tới ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và yêu cầu trả lại 137.000 đồng tiền sinh hoạt lớp vì đó không phải tiền quỹ do nhà trường tổ chức thu.
Hành động của chị bị một số phụ huynh khác lăng mạ với những lời nói cay nghiệt: “Đừng biến mình thành con rắn độc lên mặt dạy đời ai”, “Hãy giữ cho con mình chút sĩ diện còn lại, đừng cướp mất tuổi thơ của con vì sự ngông cuồng của mình”… Sau những tranh cãi với hội phụ huynh lớp, chị bị xóa tên khỏi nhóm chat chung.