Lạm thu đầu năm học mới: Xử lý nghiêm hiệu trưởng để làm gương
Bộ GD&ĐT chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học 2020-2021 |
“Mượn” Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu
“Lạm thu tiền ghế ngồi của học sinh, trường học phải trả lại”. Đây là câu chuyện xảy ra ở Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TPHCM) trong những ngày đầu năm học mới. Theo đó, để có tiền mua ghế ngồi cho học sinh trong giờ chào cờ, nhà trường đã đứng ra thu số tiền 40.000 đồng của gần 400 học sinh. Trường phát phiếu thu ghế ngồi học sinh, có đóng dấu của nhà trường để yêu cầu phụ huynh đóng.
Sau đó, nhiều phụ huynh của Trường THCS Bình Chánh đã phản đối việc này. Khi Phòng GDĐT Bình Chánh nắm được sự việc, đã yêu cầu trường dừng việc thu và trả lại tiền cho phụ huynh. 400 học sinh Trường THCS Bình Chánh đã đóng tiền trước đó được nhà trường trả lại.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng GDĐT huyện Bình Chánh (TPHCM) - khẳng định, tiền ghế ngồi chào cờ không nằm trong các khoản thu đầu năm của nhà trường. “Tuy vậy, tiền này do đại diện hội phụ huynh đề xuất nhưng khi thu thì có phiếu thu, văn thư lấy dấu mộc của trường đóng vào là không đúng quy định. Đại diện nhà trường đã nhận ra sai sót của mình và trả lại tiền cho phụ huynh” - Phòng GDĐT huyện Bình Chánh thông tin.
Cũng liên quan đến chuyện thu chi đầu năm học, phụ huynh Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì băn khoăn về số tiền phải trả cho dịch vụ sổ liên lạc điện tử (hình thức tin nhắn điện thoại).
Theo phụ huynh, số tiền phải đóng 30.000 đồng/tháng/học sinh để hằng ngày nhận lại 1 tin nhắn thông báo với nội dung chung chung, viết tắt, viết không dấu khiến phụ huynh phải “đau đầu dịch” là quá đắt, không tương xứng. Trong khi đó, hiện nay lớp nào cũng lập nhóm trên Facebook, Zalo và nhiều mạng xã hội khác để tận dụng, duy trì liên lạc, kết nối giữa phụ huynh và giáo viên. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nhận được “gợi ý” của nhà trường để đăng ký việc nhận tin nhắn mất phí.
Khoản thu sổ liên lạc điện tử không nằm trong các khoản thu của nhà trường theo quy định.
Tại Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội đã hoàn thiện và cho triển khai hệ thống phần mềm sổ liên lạc điện tử miễn phí. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, không chỉ Trường Tiểu học Nghĩa Đô mà các trường công lập trên địa bàn vẫn triển khai thêm dịch vụ sổ liên lạc điện tử thông qua tin nhắn điện thoại có thu phí.
Tiếng là tự nguyện, phụ huynh dù không muốn vẫn phải chấp nhận vì lo con mình bị phân biệt đối xử hay sợ có một số tin nhắn đặc biệt lại không được thông báo. Nhiều phụ huynh cho rằng đây cũng là một hình thức biến tướng của nạn lạm thu.
Hay tại Hưng Yên, những ngày qua cũng “nóng” câu chuyện phụ huynh Trường Tiểu học An Tảo (TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) “tố” bị lạm thu.
Chị Đ.N.B - phụ huynh học sinh lớp 3 của trường - cho biết, nhà trường thu nhiều khoản với giá cao như: Giá tiền điện năm học 2019-2020 là 2.500 đồng/kwh, trong khi giá quy định của Nhà nước là 1902 đồng/kwh; tiền quỹ cha mẹ học sinh 350.000 đồng/học sinh; thu 50.000 đồng/học sinh của học sinh lớp 5 trước khi ra trường. Nhà trường còn tổ chức học thêm dưới hình thức câu lạc bộ với học phí 150.000 đồng/tháng.
Cũng theo phụ huynh, đối với học sinh lớp 3, môn Tiếng Anh là môn học bắt buộc, được học miễn phí 4 tiết/tuần. Nhưng Trường Tiểu học An Tảo không dạy hết số tiết, mà liên kết với trung tâm phía ngoài để dạy chương trình của Victoria (chương trình bổ trợ) và thu thêm 70.000 đồng/tháng. Trước việc nhà trường bị phụ huynh tố cáo để xảy ra lạm thu, bà Trần Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Tảo - từ chối trả lời về vụ việc. Trong khi đó phụ huynh chưa hết lo lắng, sợ con mình bị “trù dập” khi lên tiếng tố cáo việc lạm thu.
Xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường
Câu chuyện lạm thu đầu năm học không phải là mới, mà năm nào cũng tái diễn.
Năm học 2020-2021, để khắc phục tình trạng này, trong Chỉ thị đầu năm học mới, Bộ GDĐT yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu các Sở GDĐT tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học mới.
Tuy nhiên, theo phụ huynh, nạn lạm thu vẫn tái diễn với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt ngày càng tinh vi hơn. Hiện nay, các nhà trường không đứng ra thu các khoản tiền như xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, khen thưởng thầy cô giáo, phí chăm sóc ngoài giờ, sổ liên lạc điện tử... mà mượn danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu.
Dù theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, các khoản tiền nói trên Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được phép thu, nhưng quy định là một chuyện còn thực tế lại khác. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều khi trở thành cánh tay nối dài của nhà trường, tiếp tay cho lạm thu. Nếu khi phát hiện, thì chỉ cần xử lý theo cách trả lại tiền phụ huynh, không liên quan đến lãnh đạo nhà trường.
Để không lặp lại câu chuyện này, theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - ngoài việc phụ huynh dũng cảm lên tiếng từ chối đóng những khoản tiền sai quy định, thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, khi phát hiện thông tin lạm thu, cần xử lý nghiêm, cách chức người đứng đầu nhà trường để răn đe.
Thu sai, trả lại... là xong Liên quan đến câu chuyện lạm thu ở Trường THCS Bình Chánh (TPHCM), ngay sau khi nhận được phản ánh, Phòng GDĐT huyện Bình Chánh đã có buổi làm việc với nhà trường. Đại diện nhà trường đã nhận ra sai sót của mình và trả lại tiền cho phụ huynh. Câu chuyện đặt ra, chẳng lẽ trường cứ thu sai, đến khi bị phát hiện thì trả lại tiền là xong chuyện? Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng Phòng GDĐT huyện Bình Chánh (TPHCM) - thông tin, giải trình từ Ban đại diện cha mẹ học sinh cho thấy, họ đã có nhờ nhà trường lồng ghép thu hộ trong các ngày nhận hồ sơ tuyển sinh đầu cấp vì cũng có nhiều việc bận. Sau sự việc này họ cũng đã rút kinh nghiệm. Sau cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học thời gian tới, Ban đại diện sẽ kiểm tra lại ghế ngồi chào cờ, nếu ghế ngồi hư hỏng, không đủ cho học sinh khối 6 thì sẽ vận động phụ huynh đóng góp, nếu không thì không thu khoản tiền này. Trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là lãnh đạo nhà trường như thế nào sau sự việc này chưa được các cơ quan chức năng đề cập đến. |