Ban phụ huynh trong nhà trường: "Phương tiện" hợp thức hóa lạm thu?
Lạm thu đầu năm học mới: Xử lý nghiêm hiệu trưởng để làm gương Bộ GD&ĐT chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học 2020-2021 |
Ban phụ huynh “bắc loa” kêu gọi các khoản thu
Theo Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban phụ huynh là phối hợp với nhà trường tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục; Kiến nghị những biện pháp cần thiết nhằm quản lý, giáo dục học sinh…
Đầu năm học mới, phụ huynh lại như "ngồi trên đống lửa" với nhiều khoản thu mang tên "tự nguyện" |
Trong năm học 2019 - 2020, UBND thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những văn bản gửi các sở, ngành liên quan về thực hiện việc thu chi đầu năm học, theo đó, Ban phụ huynh không được phép thu 7 khoản như sau: Bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên; Mua sắm máy móc, trong thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học, các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Quy định là như vậy nhưng ở một số trường, Ban phụ huynh của trường, lớp luôn đứng ra kêu gọi thu các khoản và tự thu, yêu cầu cha mẹ gửi vào số tài khoản riêng của mình.
Tại một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, mới đầu năm học, dù trong cuộc họp không có bảng kê các khoản thu nhưng trên group Zalo riêng phụ huynh của một số lớp, trưởng Ban phụ huynh đã thống kê, kêu gọi rồi tự đứng ra thu các khoản. Điều đáng nói, Ban phụ huynh yêu cầu nộp cả khoản thu cơ sở vật chất, mua bàn ghế mới cho lớp, hỗ trợ tiền điện, ủng hộ nhà trường nâng cấp đường điện…
Tại một trường THCS học trên địa bàn huyện Thanh Trì, dù chưa chính thức thu các khoản theo quy định nhưng Ban phụ huynh lớp 6 cũng đang đứng ra kêu gọi một số khoản thu như: Điều hòa 500 nghìn đồng, máy chiếu 500 nghìn đồng và quỹ phụ huynh là 400 nghìn đồng. Nhiều phụ huynh có ý kiến do kinh tế khó khăn, lại sắp đến mùa Đông nên chưa cần thiết mua điều hòa nhưng rồi biểu quyết theo số đông nên mọi người đành ngậm ngùi đóng tiền.
Ban phụ huynh có "biến tướng" lạm quyền?
Dù các văn bản, quy định của cơ quan chức năng về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban phụ huynh đã được đưa ra cụ thể nhưng không hiểu vì sao những vị đại diện cho cha mẹ học sinh tại nhiều trường vẫn cứ đứng ra đảm nhiệm những vấn đề không phải việc của mình.
Những tin nhắn kêu gọi ủng hộ các khoản thu và phản đối cha mẹ học sinh dám lên tiếng vì Ban phụ huynh thu sai |
Một phụ huynh ở quận Thanh Xuân cho biết: “Khi có cha mẹ lên tiếng thì Ban phụ huynh lớp con tôi học đã rất gay gắt phản bác lại, yêu cầu mọi người không được có ý kiến làm ảnh hưởng đến cô giáo chủ nhiệm và nhà trường. Thậm chí có phụ huynh còn kêu gọi cho người lên tiếng ra khỏi nhóm phụ huynh. Không hiểu những người ngồi vào vị trí đại diện cho cha mẹ học sinh có hiểu chức năng và nhiệm vụ của mình không? Có bao giờ họ tự hỏi, họ đang đại diện cho ai?”.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở huyện Thanh Trì cũng chia sẻ: “Bản chất của Ban phụ huynh là tốt, làm cầu nối giữa gia đình nhà trường, phối hợp giáo dục học sinh. Tuy nhiên, hoạt động của Ban phụ huynh ở nhiều trường hiện nay đang bị biến tướng. Bây giờ, họ hoạt động vì nhà trường và đại diện cho nhà trường, là "phương tiện" để thực hiện những việc làm mang tên “tự nguyện”. Ban phụ huynh thường kêu gọi các khoản thu và cũng đứng ra yêu cầu phụ huynh viết những bản cam kết tự nguyện… Ban đại diện phụ huynh luôn nghĩ ra cách làm hiệu quả và cố gắng để nhà trường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công việc thực sự của họ là đại diện cho tiếng nói phụ huynh và làm công tác phối hợp, hỗ trợ nhà trường giáo dục học sinh… thì chưa thấy quan tâm đúng mức”.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Ban phụ huynh là đại diện tiếng nói của cha mẹ học sinh.
“Hiệu trưởng phải chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban đại diện phụ huynh. Hiệu trưởng phải lắng nghe tiếng nói và giải đáp thắc mắc hoặc cải tiến nhà trường theo yêu cầu của phụ huynh, học sinh.
Ban phụ huynh để khách quan phải thực sự là tiếng nói của cha mẹ học sinh, truyền tải nguyện vọng, điều trăn trở của phụ huynh đến giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Khi kêu gọi tham gia đóng góp phải thực hiện đúng nguyên tắc của Bộ và của Sở GD&ĐT, mức độ thu quỹ lớp, trường cũng phải theo quy định. Để xảy ra những khoản thu sai mục đích thì Hiệu trưởng trường đó phải có trách nhiệm. Phụ huynh có thể phản ánh những vấn đề không đúng lên phòng hoặc Sở GD&ĐT để được giải quyết”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Mục đích hoạt động của Ban phụ huynh là phản ánh tiếng nói của cha mẹ học sinh, phối hợp cùng nhà trường để giáo dục con em mình... Tuy nhiên hiện nay, nhiều trường vẫn để xảy ra tình trạng Ban phụ huynh hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ.
Do vậy, cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra việc Ban phụ huynh hoạt động sai tôn chỉ, mục đích tại trường mình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết: Vào mỗi đầu năm học, phòng GD&ĐT huyện đều yêu cầu các trường trên địa bàn nộp báo cáo về các khoản thu để Phòng Tài chính và Phòng Giáo dục cùng xem xét rồi trình Ủy ban Nhân dân huyện quyết định thu những khoản nào theo quy định và mức thu là bao nhiêu. Sau đó, các trường mới được triển khai thu. Về Ban phụ huynh, Phòng GD&ĐT huyện đã quán triệt tới các trường không được phép thu bất kỳ khoản nào trái quy định. Tất cả phải thực hiện theo đúng Thông tư 55, Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT và 7 khoản không được phép thu theo đúng công văn của UBND thành phố Hà Nội năm học 2019 - 2020. |