Phóng viên bị bắt chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”
Nâng cao kiến thức về xây dựng Đảng cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên |
Tham gia chất vấn sáng 12/11, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nêu tình trạng một số cơ quan báo chí thường nêu mặt trái của doanh nghiệp để trục lợi, có một số phóng viên tiêu cực gây ảnh hưởng cơ quan báo chí và nhà báo chân chính.
Do đó, ông Nguyễn Đại Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp khắc phục vấn đề này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14 - 15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, tuy nhiên so với 21.000 người làm báo có thẻ phóng viên và gần 45.000 người làm báo, thì đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Theo Bộ trưởng, 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng Biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên). |
Cũng theo Bộ trưởng, các sai phạm của tạp chí là nhiều vì họ "không có tóc", không có hỗ trợ từ cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng tiêu chuẩn nhận dạng "báo hóa tạp chí", để toàn xã hội giám sát và phục vụ tranh tra, kiểm tra.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công khai tôn chỉ, mục đích của hơn 800 cơ quan báo chí trên cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích.
"Nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích", ông Hùng nói thêm.
Ông Hùng cũng cho biết, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp Tổng Biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phóng viên báo chí.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên). |
Cũng tại phiên chất vấn, nêu tranh luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề cập về nguồn thu thông qua quảng cáo giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa quan tâm đến cách thức để hỗ trợ cơ quan báo chí. Đại biểu cũng nhấn mạnh đến công tác truyền thông chính sách như một lối mở để báo chí tăng nguồn thu.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách Nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo. Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại. Hiện nay, thực tế khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách.
Bộ trưởng cho rằng cần cân nhắc nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không, Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí. Mặt khác, không nên có quan niệm cực đoan, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của Nhà nước, báo chí cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.