Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Quản chặt dòng vốn "rót" vào bất động sản
Giá bất động sản ở Việt Nam đang ở đâu so với khu vực? |
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 31/3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, vấn đề bất động sản thời gian gần đây tương đối nóng, tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng lên.
Theo ông Tú, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.
Ông Tú cho biết, về phía ngành ngân hàng, riêng lĩnh vực tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ. Bởi câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như có những dấu hiệu hụt dòng trong đầu tư quá lớn.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: VGP |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay (2,44%), so với năm ngoái thì tăng tích cực. Tín dụng cho bất động sản tăng 2,13% là tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung.
Trong đó tín dụng đối với bất động sản có 2 lĩnh vực: Một là tín dụng vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao.
"Đây là những đối tượng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng", ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Đào Minh Tú, những lĩnh vực tín dụng đầu tư vào để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, ví dụ như nhà cho người thu nhập thấp hay là phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân, phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai.
Chính vì thế, theo Phó Thống đốc, thời gian hiện nay cũng như sắp tới, trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên hiện nay mức tăng 2,13% này cũng không phải ở tất cả các tổ chức tín dụng mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây.