Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn
Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu phát triển kinh tế INFOGRAPHIC kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2024: Khởi sắc! |
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế là rất quan trọng nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 28/3/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 tăng trưởng âm.
Với việc tín dụng đã thoát tăng trưởng âm, Phó Thống đốc nhận định nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn. Ông Tú hy vọng trong quý 2 và 3, nhất là quý 4, nguồn vốn tín dụng đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm là 14-15%.
Ông Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn chỉ đạo phải giảm lãi suất, tháo gỡ cho doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đặt ra câu chuyện lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Theo Phó Thống đốc, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm. Ngay cả với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng can thiệp với tư cách chủ sở hữu để hạ lãi suất cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn vay của ngân hàng có lãi suất thấp.
"Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất linh hoạt, không đặt tăng hay giảm lãi suất điều hành. Từ cuối năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cả cũ", ông Tú chia sẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu như chúng ta lạm dụng quá thì như thế giới cảnh báo, chính sách này là giấu một khoản nợ xấu, rất xấu, rồi âm ỉ đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn chính sách hỗ trợ thêm 6 tháng nữa, sau đó đến hết năm 2024 sẽ đánh giá tiếp, lúc đó nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có cơ chế khác hỗ trợ.
Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn muốn song hành 2 nhiệm vụ là vừa hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính vì thế, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp lý, vào lĩnh vực ưu tiên, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng không được hạ thấp điều kiện, tiêu chuẩn tín dụng nhưng các ngân hàng thương mại phải tiếp tục đơn giản thủ tục, quy trình, thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn. Doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, nhưng nếu quá trình xử lý chậm từ phía ngân hàng sẽ là một trong những khó khăn của doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cũng thông tin thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mà chưa được xử lý.
Do đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu rất lớn, trở thành “cục máu đông” như cách đây hơn 10 năm mà xử lý cho đến bây giờ vẫn chưa hết.
"Doanh nghiệp đổ vỡ thì cũng chỉ doanh nghiệp đó bị phá sản. Còn ngân hàng đổ vỡ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ.