Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu phát triển kinh tế

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu, hiện tượng trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ thế và lực tổng hợp của đất nước, trong đó có ngoại giao kinh tế.
INFOGRAPHIC kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2024: Khởi sắc! Kinh tế Việt Nam quý I/2024 tăng trưởng cao nhất 5 năm

Chia sẻ tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam từ một nước bị bao vây cấm vận, ít được biết đến trên bản đồ kinh tế quốc tế, sau 30 năm, đã trở thành quốc gia có quan hệ kinh tế thương mại khá sâu sắc với hầu hết các thành viên Liên hợp quốc thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chúng ta sở hữu 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với trên 60 quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới và là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất, một trong 15 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).

“Trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu, hiện tượng trong phát triển kinh tế xã hội nhờ thế và lực tổng hợp của đất nước, trong đó có ngoại giao kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải vững vàng về bản lĩnh; bình tĩnh sáng suốt để nhận thức đúng bản chất của sự vật, hiện tượng; hành động quyết liệt nhưng phải thận trọng, phù hợp để từ đó “gạn đục khơi trong”, biến những thách thức thành cơ hội, biến những “cơn gió ngược” thành động lực cho sự phát triển bứt phá ngoạn mục của kinh tế đất nước.

Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu phát triển kinh tế
Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu, hiện tượng trong phát triển kinh tế xã hội nhờ thế và lực tổng hợp của đất nước.

Để thực hiện các mục tiêu, định hướng lớn trong đối ngoại kinh tế, từ phía ngành Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định chủ trương lấy ngoại giao kinh tế làm trụ cột, động lực quan trọng trong thiết lâp, củng cố quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế.

Ngành Công thương cũng kiến nghị Chính phủ sớm tiến hành tổng kết chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để vừa kịp thời bổ sung văn kiện Đại hội XIV của Đảng, vừa điều chỉnh cơ chế chính sách cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng thực chất, hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành địa phương chú trọng cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trong xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng thực chất, hiệu quả các đề án sản xuất và xuất khẩu chính ngạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đối với Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người đứng đầu ngành Công thương đề nghị tăng cường nắm bắt thông tin, đánh giá, dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực và nước sở tại để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công thương, có những phản ứng chính sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích cao nhất cho đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại ở Việt Nam và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thương vụ, cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục tích cực vận động, đấu tranh để các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường; xử lý tốt nhất các vấn đề mới phát sinh trong quan hệ thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu về cơ chế chính sách, phản ứng chính sách để triển khai có hiệu quả các FTA đã ký kết; xử lý hậu quả các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các khó khăn, vướng mắc xung đột quan hệ kinh tế thương mại, qua đó góp phần ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút hiệu quả FDI.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ nỗ lực để hoàn thành các FTA đang đàm phán; tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục đàm phán, nâng cấp, khai mở các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.

Hậu Lộc
Phiên bản di động