Ông Phạm Đức Ấn: Việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là rất cấp thiết

Ông Phạm Đức Ấn đánh giá, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là rất cấp thiết để ngân hàng đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế...
Agribank có tân Tổng Giám đốc và nhiều nhân sự cấp cao mới Agribank khẳng định vai trò chủ lực đầu tư “tam nông”

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị.

Theo ông Ấn, do vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng vì vậy trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống.

Do đó, theo ông Ấn, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để ngân hàng đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông.

"Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023", Chủ tịch Agribank nhấn mạnh.

Đồng thời, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ mặc dù việc triển khai rất quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nhưng kết quả còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tâm lý e ngại của chính khách hàng vay vốn.

undefined
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)

Vì vậy, gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ, lãnh đạo Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét trình Quốc hội chuyển đổi việc hỗ trợ gián tiếp qua lãi suất vay vốn bằng chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước hoặc cơ chế giảm thuế cho các đối tượng cần được hỗ trợ.

Lãnh đạo Agribank cũng cho biết, những khó khăn từ các yếu tố trong nước và quốc tế (sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của các nền kinh tế lớn, chính sách phương Tây cấm vận Nga, khó khăn của thị trường bất động sản…) đang ảnh hưởng tiêu cực ngày càng sâu hơn đối với doanh nghiệp.

"Khả năng trả nợ trong năm 2023 của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ nợ xấu tăng cao. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem xét áp dụng cơ chế cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng có khó khăn về dòng tiền trả nợ ngân hàng trong năm 2023", ông Ấn nêu đề xuất.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Agribank, hiện nay đã xuất hiện những nhóm doanh nghiệp có cấu trúc phức tạp, dùng nhiều thủ thuật để lách quy định của pháp luật về người có liên quan cũng như che dấu ngân hàng cho vay về mục đích sử dụng vốn để đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản.

"Đây là tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế ngăn chặn, đồng thời kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có hệ số sử dụng vốn huy động lớn", ông Ấn nêu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Agribank cũng đề xuất Chính phủ, các bộ ngành cần có một chương trình hỗ trợ cũng như kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến các ngành khác nhưng đồng thời cũng giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian vừa qua vừa gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở, vừa thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn.

Nói về Agribank, ông Ấn cho biết, từ cuối năm 2021 đã xác định năm 2022 là năm có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức nên Agribank đã thống nhất chủ trương điều hành theo kịch bản khó khăn nhất, vì vậy đã được những kết quả rất tích cực.

Cụ thể, dự kiến đến 31/12/2022 Agribank sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu chính, trong đó, tổng tài sản đạt gần 1.850 nghìn tỷ đồng, huy động vốn gần 1.700 nghìn tỷ đồng đáp ứng cho dư nợ tín dụng 1.450 nghìn tỷ đồng, với 65% dư nợ phục vụ cho tam nông, tín dụng của Agribank đã góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tín dụng đen.

Mặt khác, Agribank cũng đã triển khai các giải pháp để tăng nguồn thu, kiểm soát chi phí hợp lý, đặc biệt là chương trình giảm, miễn lãi cho các khách hàng có nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro vừa để hỗ trợ vừa để khuyến khích khách hàng trả nợ.

Qua đó, ngoài việc đảm bảo lợi nhuận làm cơ sở để tăng vốn điều lệ, Agribank đã áp dụng lãi suất cho vay hợp lý cho khách hàng. Đồng thời tháng 12 vừa qua, ngân hàng cũng đã dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm 20% lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 và khách hàng theo đối tượng theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động