Nút thắt chính sách cho năng lượng tái tạo vẫn chưa được tháo gỡ
Khung giá điện tái tạo bị ‘chê’ quá thấp: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì? Hàng nghìn tỷ đồng điện tái tạo tiếp tục ‘đắp chiếu’ vì đàm phán giá bế tắc Đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp vẫn vướng |
Trong báo cáo phân tích về ngành điện mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, những nút thắt chính sách cho năng lượng tái tạo vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo VNDirect, trong 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện năng lượng tái tạo giảm nhẹ xuống 6,45 tỷ kWh chủ yếu do các nhà máy điện mặt trời ghi nhận cắt giảm công suất. Trong khi đó, điện gió ghi nhận mức sản lượng tăng 9% so với cùng kỳ nhờ mùa gió với tốc độ gió cao hơn năm ngoái, bắt đầu từ tháng 11/2022.
"Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (NLDC), chúng tôi nhận thấy điện gió có tính mùa vụ cao. Trong khi điện gió thường ghi nhận mức sản lượng tốt vào quý I và quý IV, điện mặt trời thường ghi nhận mức sản lượng ổn đinh và giảm vào quý IV để nhường chỗ cho huy động điện gió", VNDirect nêu.
Sau giai đoạn bùng nổ công suất với chính sách giá FIT (ưu đãi), nâng tổng tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo từ mức 9% 2019 lên 27% tổng công suất trong 2022, giai đoạn phát triển tiếp theo của nguồn điện đang gặp nhiều thách thức.
Ảnh minh họa. |
Nhóm nghiên cứu của VNDirect cho rằng, với việc chính sách giá FIT đã chính thức hết hiệu lực từ tháng 11/2021, hiện tại nhà đầu tư đã chờ đợi hơn một năm nhưng vẫn chưa thể phát triển thêm dự án mới, chủ yếu do những chậm trễ ban hành Quy hoạch điện VIII cũng như chưa có tin hiệu rõ ràng về thời gian ban hành chính sách giá mới cho năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh tắc nghẽn nhiều mặt, ngày 7/1/2023, Bộ Công thương ban hành khung giá chuyển tiếp cho các dự án điện mặt trời, điện gió.
Theo đó, mức giá mới cho điện mặt trời vào khoảng 1.184 đồng/kWh, thấp hơn 29,5% so với giá FIT 2. Mặt khác, giá điện gió trên bờ và gần bờ đều giảm khoảng 21% xuống 1.587 đồng/kWh và 1.816 đồng/kWh.
Nhóm phân tích cho rằng, mặc dù khung giá mới là dấu hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo chuyển tiếp khi các dự án của họ không được khai thác trong một thời gian dài kể từ khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không dự án nào có khả năng sinh lời tốt.
"Chúng tôi đã tiến hành đánh giá tỷ suất sinh lời (IRR), sử dụng các giả định tiêu chuẩn cho các nhà máy năng lượng tái tạo theo mức giá mới. Theo đó, IRR của các dự án chuyển tiếp sẽ giảm đáng kể. Cụ thể, IRR của các trang trại năng lượng mặt trời ở mức 5,1% trong khi IRR điện gió trên bờ và gần bờ giảm xuống 8,0% và 7,9% từ mức cũ 12% theo giá FIT", VNDirect cho biết.
Theo VNDirect, để tối ưu khả năng sinh lời, các nhà đầu tư cần nỗ lực cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và lãi vay. Hiện tại, chủ đầu tư của các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp không quá mặn mà với mức giá thấp như vậy.
Tính đến hết ngày 23/3/2023, chỉ có 4 hồ sơ được gửi lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tiếp tục hoàn thiện và đàm phán giá điện trong PPA. Hiện tại, vẫn có nhiều bất đồng về điều khoản liên quan đến, đơn vị tiền tệ mua điện, thời hạn hợp đồng và mức giá, giữa bên mua là EVN và bên bán là nhà đầu tư.
Vì vậy, mặc dù khung giá năng lượng tái tạo đã được công bố từ tháng một, nhưng khả năng để các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đi vào hoạt động vẫn chưa xác định được ngày cụ thể.
Nhóm nghiên cứu của VNDirect cho rằng giá, năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là cơ sở để Bộ Công thương đưa ra những quyết định tiếp theo, đặc biệt là việc ban hành cơ chế giá chính thức cho các dự án năng lượng tái tạo mới phát triển.
Đáng chú ý, Việt Nam đang tích cực thí điểm và hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và nhiều khả năng đây sẽ là hướng đi tiếp tục của giai đoạn phát triển sắp tới của thị trường năng lượng tái tạo.
Do đó, với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 cũng như những điều chỉnh đầy tham vọng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, trong đó có việc tăng công suất nguồn năng lượng tái tạo, VNDirect tiếp tục kỳ vọng vào một cơ chế giá đủ thu hút nhưng mang tính cạnh tranh lành mạnh hơn, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thị trường này.