Khung giá điện tái tạo bị ‘chê’ quá thấp: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì?

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, khung giá điện đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió.
Hàng nghìn tỷ đồng điện tái tạo tiếp tục ‘đắp chiếu’ vì đàm phán giá bế tắc Đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp vẫn vướng Bộ Công thương yêu cầu thống nhất giá điện gió, điện mặt trời trước ngày 31/3

Thông tin trên được ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ với báo giới tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, diễn ra chiều 3/4.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ trước đến nay, giá FIT (ưu đãi) là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định.

Sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, cần có cơ chế giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Về xây dựng khung giá điện, ông Hải cho biết, ngày 3/10/2022, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Căn cứ theo quy định tại thông tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công thương về kết quả tính toán khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Khung giá điện tái tạo bị ‘chê’ quá thấp: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì?
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả tính toán do EVN trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và xem xét ý kiến của Hội đồng tư vấn, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 quy định khung giá phát điện để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, khung giá đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió. Việc lựa chọn bộ thông số đầu vào chuẩn để tính toán, thẩm định khung giá được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT.

Theo các số liệu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua, bất chấp sự gia tăng đáng kể của chi phí vật liệu.

"Các thông số có liên quan được lựa chọn dựa trên cơ sở thu thập số liệu, tính toán căn cứ tình hình thực tế của các nhà máy điện gió, điện mặt trời, có tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn cả trong nước và quốc tế", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Việc đàm phán về giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

"Chúng tôi rất mong EVN và các chủ đầu tư thực hiện đúng theo tinh thần như vậy để vừa đảm bảo sớm nhất đưa các dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tuân thủ theo đúng các quy định và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Hải chia sẻ.

Trước đó, sau khi Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đánh giá, khung giá phát điện quá thấp và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Theo phản ánh, việc giá điện thấp lại bằng VNĐ nữa thì nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ không thấy hấp dẫn để đầu tư.

Một nhà đầu tư cho biết, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế ưu đãi mua điện gió trên bờ với giá 8,5 cents/KWh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã huy động vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp phải vay ngân hàng trong nước với lãi suất cao.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến nhiều ngân hàng trong nước ngừng không cho vay nữa. Các nhà đầu tư phải xoay xở vốn tự có và các nguồn tiền lãi suất cao khác để tiếp tục dự án. Nhiều chi phí cũng đội lên sau dịch (nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, phí phạt của các nhà thầu do phải ngừng chờ việc…). Vì thế, các nhà đầu tư đề nghị khi đánh giá lại mức giá mua điện, cần tính toán để dự án không bị lỗ.

Giá điện sẽ tăng

Chia sẻ bên lề họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, áp lực tăng giá điện là rất lớn, trong bối cảnh EVN đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh điện và Bộ Công thương đang trình phương án tăng giá bán lẻ.

"Mức tăng cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hoà lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho EVN, lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát", ông Hải nói.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 24/3 với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động