Nuôi dúi bằng máy lạnh, nam sinh viên “bỏ túi” 40 triệu đồng/tháng
Vũ Thành Đạt (21 tuổi), sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Hoa Sen đang khiến nhiều người trầm trồ vì khả năng làm kinh tế nhạy bén của mình. Đạt đang nuôi 300 con dúi và kiếm được số tiền mà nhiều sinh viên mơ ước khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chàng sinh viên Vũ Thành Đạt nuôi dúi ngay tại nhà ở của mình. Ảnh: Đại Việt
Đạt cho biết, Đạt bén duyên với con dúi sau khi đi dã ngoại ở tỉnh Bình Định và khi trở về TPHCM, Đạt quyết định nuôi loài vật này.
“Đến Bình Định, tôi thấy người dân đào dúi nên tìm hiểu và biết được loài vật này chỉ ăn tre, trúc, mía, khoai…nên phân và nước tiểu không có mùi hôi. Tôi quyết định nuôi tại nhà vì chúng sạch sẽ, không ảnh hưởng đến người xung quanh”, Đạt nói.
Dúi nhai thức ăn liên tục tạo ra những tiếng kêu khá vui tai. Ảnh: Đại Việt
Theo Đạt, thời gian đầu nuôi dúi khá khó khăn khiến Đạt bị lỗ chút vốn vì chưa hiểu đặc tính của dúi. Tuy nhiên, sau khi biết con dúi chỉ thích nhiệt độ mát mẻ, không thích ánh sáng, không thích ồn ào, không thích thức ăn cũ và nhiều đặc tính khác thì Đạt đã thay đổi.
Dúi được nuôi trong môi trường mát mẻ có máy lạnh. Ảnh: Đại Việt
“Tôi lắp máy lạnh để nhiệt độ khu nuôi dúi không quá 30 độ C, dúi được nuôi trong nhà nên được che chắn kín để hạn chế ánh sáng. Khu nuôi dúi cũng luôn được đảm bảo sự yên tĩnh để dúi phát triển”, Đạt chia sẻ.
Cũng theo Đạt, hiện tại, em đang nuôi 2 loại dúi chính là dúi Móc và dúi Má đào với 100 con dúi thịt, 200 con dúi giống.
Mỗi năm, dúi đẻ từ 2 – 3 lứa và mỗi lứa từ 2 – 4 con. Sau khi nuôi dúi khoảng 6 tháng thì dúi bắt đầu có thể sinh sản.
Dúi nuôi từ 8 tháng trở lên thì có thể bán thương phẩm với giá trị từ 650.000 – 700.000 đồng/kg. Dúi giống được bán với giá 1,4 triệu đồng/cặp. Mỗi tháng, doanh thu từ việc bán dúi mang lại cho Đạt số tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
Ô dúi này có khá đông "quân số" khi có đến 6 con sinh sống. Ảnh: Đại Việt
Nhiều người dân có nhu cầu nuôi dúi cũng đến nhà của Đạt ở quận Gò Vấp, TPHCM để tìm hiểu mô hình này. Do bận nhiều công việc nên Đạt quyết định thu mỗi lượt tham quan, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi là 100.000 đồng/người. Nếu khách mua dúi giống ở trại thì Đạt sẽ hoàn trả số tiền này.
Theo Đạt, việc thu tiền người tham quan mô hình nhằm hạn chế những người đến trại không vì mục đích học hỏi mà vì nhiều mục đích khác. Ngoài ra, thời gian của Đạt cũng khá hạn chế nên không thể hướng dẫn miễn phí cho tất cả mọi người, bởi số lượng người đến tham quan là khá nhiều.
Nhiều người dân đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi tại nhà sinh viên Vũ Thành Đạt. Ảnh: Đại Việt
Trong hơn 1 giờ ở nhà của Đạt, chúng tôi ghi nhận có hàng chục lượt khách đến mua dúi giống, tham quan chuồng nuôi. Khách hàng đến từ nhiều tỉnh thành lân cận TPHCM như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa
– Vũng Tàu…Dúi được nuôi ở khu vực tầng trệt và lầu 1 của ngôi nhà.
Chuồng dúi được làm khá đơn giản, chỉ là những viên gạch men cỡ lớn ghép lại và ngăn thành những ô có diện tích từ 0,5 – 0,6m2. Mỗi chuồng dúi đều được cho ăn thân tre, mía cây và hạt bắp khô. Tiếng gặm thân cây tre của dúi “rột roạt” suốt cả ngày khá vui tai.
Chuồng nuôi được xây dựng khá đơn giản, chỉ bằng những viên gạch men ghép lại. Ảnh: Đại Việt
Ông chủ trẻ cho biết, con dúi đang được nhập vào nhiều nhà hàng tại TPHCM và xuất đi nhiều tỉnh thành xa xôi trong cả nước. Hiện nay, nguồn cung dúi của trại không đáp ứng nổi nhu cầu của thị trường. Dúi có bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Những khúc mía cắt nhỏ cũng là loại thức ăn ưa thích của dúi nhằm cung cấp nước cho loài vật này. Ảnh: Đại Việt
Cũng theo Đạt, khi nuôi dúi cần chú ý vệ sinh chuồng nuôi 2 ngày/lần. Hạn chế để dúi ăn thức ăn cũ và ăn quá nhiều mía vì điều này dễ khiến dúi bị tiêu chảy, đây là bệnh rất nguy hiểm với dúi. Người dân ở TPHCM và các địa phương khác có thể dễ dàng nuôi dúi thành công vì chi phí nuôi là rất thấp. Một con dúi trưởng thành có trọng lượng từ 1 – 1,5kg chỉ tiêu thụ khoảng 100.000 đồng tiền thức ăn.
Dúi là loài gặm nhấm có chất lượng thịt thơm ngon và được nhiều nhà hàng săn đón. Ảnh Đại Việt.