Nông dân Đan Phượng phấn khởi vào vụ Tết
Nông dân phấn khởi thu hoạch bưởi dịp Tết Người “kỹ sư tâm hồn” tận tuỵ Đan Phượng: Điểm sáng về thực hiện quy tắc ứng xử |
Mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới
Là địa phương đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đan Phượng gần đây đã nhân rộng và phát triển nhiều mô hình trồng hoa, góp phần làm cho bức tranh nông nghiệp huyện thêm khởi sắc.
Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng ban Kinh tế huyện Đan Phượng, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.626 ha phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vùng sản xuất hoa đạt 490 ha tập trung tại các xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Song Phượng, Phương Đình. Các hoa giá trị cao như lily và đồng tiền chiếm hơn 60% tổng diện tích, cho thu nhập 650-750 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, 2 mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp có tổng diện tích 25 ha, trong đó đã đầu tư 8 ha hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại phục vụ sản xuất hoa lan giống và hoa thương phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và Thủ đô.
Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng ban Kinh tế huyện Đan Phượng |
Đáng chú ý, mô hình hoa đồng tiền mới được trồng ở Đan Phượng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đang được nhân rộng. Những ngày giáp Tết, những nông dân của HTX Hoa Đồng Tháp tất bật với công việc chăm sóc và thu hoạch hoa. Chị Đinh Thị Phượng, hộ gia đình tiên phong trồng hoa đồng tiền tại đây cho biết, vốn sinh ra ở làng hoa Tây Tựu, chị nhận thấy trồng hoa đồng tiền có nhiều lợi thế, chỉ trồng 1 lần, người trồng hoa thu được hoa trong rất nhiều năm nên năm 2022, gia đình chị đã mạnh dạn trồng 4 mẫu. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, cũng trong năm 2022, 8 hộ tại xã Đồng Tháp đã liên kết thành lập hợp tác xã chuyên canh hoa đồng tiền trên diện tích 25ha. HTX hoa Đồng Tháp đã đầu tư nhà màng, phủ nilon bên trên mái để che nắng, chắn mưa; hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân xuống từng gốc cây.
Theo chị Phượng, bình quân, mỗi sào trồng hoa đồng tiền cần đầu tư chi phí từ 58 – 62 triệu đồng từ phay đất, làm bờ, cây giống, phân bón, nhà màng. Ưu điểm của hoa đồng tiền là đầu tư trồng 1 lần nhưng thời gian thu hoạch kéo dài 4 - 5 năm.
“Cứ 3 ngày, chúng tôi đi cắt hoa một lần với số lượng khoảng 400 bông/sào. Giá hoa năm nay tầm 1.000 đồng/bông; ngày cận Tết có thể lên đến 1.500 đồng – 2.000 đồng/bông” – chị Phượng nói.
Đầu năm 2023, sản phẩm hoa đồng tiền của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX Hoa Đồng Tháp trồng thành công hơn chục loại giống hoa đồng tiền với đủ các bảng màu được khách hàng ưa chuộng.
Mô hình trồng hoa đồng tiền tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội |
Thu nhập tăng nhờ trồng bưởi
Không chỉ trồng hoa, nông dân tại các xã Thượng Mỗ ở Đan Phượng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Toàn hyện Đan Phượng có vùng sản xuất cây ăn quả rộng 1.130ha, trong đó chủ yếu diện tích là trồng bưởi với gần 600ha. Tổng thu nhập bình quân của huyện từ loại quả này là 500.000.000 - 650.000.000 đồng/ha/năm.
Tại Đan Phượng, giống bưởi tôm vàng Đan Phượng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020, 4 sao năm 2023. Tại thời điểm này, nhiều hộ trồng bưởi đã “cháy” đơn hàng Tết. Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Khắc Quyết ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phương, TP. Hà Nội) trồng cả bưởi Diễn và tôm vàng năm nay cho khoảng 3.000 quả, mang lại thu nhập chừng 70 triệu đồng. “Trồng bưởi cho thu lãi cao hơn trồng lúa, chăm sóc cũng nhàn hơn nên chúng tôi cũng định nhân rộng diện tích trong thời gian tới” – ông Quyết nói.
Vườn bưởi của ông Nguyễn Khắc Quyết ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phương, TP. Hà Nội) |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Viết Đạt cho hay, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện phát huy các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm hiện có; đẩy mạnh áp dụng hệ thống sử dụng mã Qr truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản; chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản nhất là các thương hiệu tập thể cho nông sản của huyện như bưởi tôm vàng Đan Phượng, nấm Đan Phượng, sản phẩm chăn nuôi xã Phương Đình, thịt lợn Trung Châu, rau giá xã Trung Châu.
Cùng với đó, huyện sẽ thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của huyện trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.