Người “kỹ sư tâm hồn” tận tuỵ
Món quà đặc biệt tri ân, vinh danh những "kỹ sư tâm hồn" ngày đêm miệt mài cống hiến |
Hạnh phúc khi học sinh gọi "Mẹ"
Cô Nguyễn Thị Nga được ví như “kỹ sư tâm hồn” bởi cô không chỉ dạy chữ mà còn là một người tận tuỵ trên hành trình “rèn người”, dõi theo mỗi bước chân, chứng kiến sự trưởng thành và đưa từng thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức.
Cô Nguyễn Thị Nga là giáo viên trường Mầm non Tân Lập, huyện Đan phượng, TP. Hà Nội |
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Nga nói: “Nhà giáo đem lại cho học sinh tri thức và nhận lại sự kính trọng yêu thương từ học sinh. Tôi hạnh phúc khi thấy học sinh trưởng thành và thành công”.
Ngay từ thời còn là học sinh, cô Nga đã mơ ước được làm cô giáo để giúp các em bé biết chữ, được học mà chơi, chơi mà học. Chọn cho mình nghề “nuôi dạy trẻ” bởi cô hiểu rằng, nhà giáo không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, và tình yêu đối với trẻ là tình mẹ con, cô giáo mầm non chính là người mẹ thứ hai của trẻ.
Tính đến nay, người giáo viên này đã có 18 năm trong nghề. Năm 2009, cô chuyển về công tác tại trường Mầm non Tân Lập. 14 năm công tác tại đây là ngần ấy thời gian cô Nga mang trong mình nhiều kỷ niệm đẹp về đồng nghiệp và các bạn học trò nhỏ. Nhưng để nói về kỷ niệm khiến cô Nga ghi nhớ nhất thì có lẽ đó chính là khi học trò gọi cô bằng hai tiếng “Mẹ Nga”.
Cô Nga cùng học sinh trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết |
Năm 2012, cô Nga đảm nhận công tác chăm sóc các cháu nhỏ trong độ tuổi 24 - 26 tháng tuổi tại trường Mầm non Tân Lập. Trong tập thể 25 học sinh của lớp, có một cô bé tên My nhập học sau so với các bạn trong lớp. My trầm tính, nhút nhát, trầm lặng, rụt rè. Cô bé ít nói, không thích kết bạn và cũng chẳng bao giờ hòa đồng với tập thể. Cứ tưởng cái bản tính đó sẽ không bao giờ thoát ra khỏi con người của My và cô gái nhỏ sẽ mang nó trên cuộc hành trình dài thì cô Nga như tia nắng ấm áp xuất hiện.
1 tháng đầu khi My nhập lớp là 1 tháng cô Nga dành thời gian để chia sẻ cùng cô học trò nhỏ. Hằng ngày, cô tâm sự, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để gắn kết với My nhiều hơn. Cô bày tỏ sự đồng cảm giúp My nguôi ngoai cảm giác lạc lõng, từ đó tự tin hòa nhập. Sau cùng, bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và phương pháp đúng đắn, cô Nga đã giúp học sinh của mình dễ dàng tìm thấy niềm vui và sự tự tin.
“Trải qua quãng thời gian trò chuyện cùng nhau, cô bé đã có những thay đổi tích cực, mạnh dạn hơn, My cũng dần hoà nhập với bạn bè trong lớp. Cũng từ ngày đó bé gọi tôi là 'Mẹ'", cô Nga vui vẻ nói.
Cô Nga cùng học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trường |
Nhiều sáng kiến tái chế phế liệu làm dụng cụ học tập
18 năm gắn bó với nghề, cô Nga luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chủ nhiệm, coi lớp học như một gia đình, chăm sóc học sinh như con của mình theo bộ 3 tiêu chí: “Yêu thương – An toàn – Tôn trọng”. Điều này nhằm giúp quá trình dạy học sinh được tốt hơn, phát huy được tính sáng tạo cho học trò.
Để thực hiện tốt công tác giảng dạy, cô Nga đã tìm tòi, nghiên cứu qua những trang giáo dục trẻ mầm non như: Activites for children; ý tưởng tái chế, dạy học tích cực, cộng đồng tái chế; ý tưởng sáng tạo, tự chế, Steam Việt Nam....
Cô Nguyễn Thị Nga cùng học sinh tham gia sáng tạo những đồ vật từ lá cây |
Từ năm 2012, cô đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu học hỏi cách tái chế phế liệu làm công cụ học tập, đưa vào giáo dục mầm non nhằm phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.
Ví như, cô làm hỗn hợp bột giấy mịn tạo ra những đồ dùng, đồ chơi gần gũi, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; làm “Lăng kính chiếu 3D từ mica dẻo”, vẽ tranh trên mica dẻo; làm khung tranh từ mica dẻo…
“Qua những hoạt động ấy, tôi mong muốn trẻ chơi mà học. Các con được tự tìm tòi, khám phá, sáng tạo theo ý tưởng của riêng mình từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng tưởng chừng như bỏ đi”, cô Nga cho hay.
Những tiết học lấy trẻ làm trung tâm khiến trẻ được tự tìm tòi, khám phá, say mê sáng tạo, hứng thú và mong chờ đến những hoạt động tiếp theo đều là những tiết học hạnh phúc.
Học sinh của cô Nga trực tiếp vẽ tranh bằng việc tái sử dụng giấy báo |
Thời gian tới, cô Nga sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai những dự án mới từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Ngoài ra, nữ giáo viên cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa vào tái chế các nguyên liệu mới như rơm rạ, rễ cây… qua các dự án cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau.
"Tôi sẽ tiếp tục đưa trẻ vào các tiết học thông qua các hoạt động vui chơi để trẻ được học bằng chơi, chơi mà học. Từ đó, trẻ được tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và ghi nhớ được lâu" - cô nói.