Nỗi lo thất nghiệp của tân cử nhân mới ra trường

Sau tốt nghiệp, có không ít tân cử nhân đã thực sự “vỡ mộng” khi bước vào thị trường lao động. Nhiều sinh viên ra trường chạy đôn đáo khắp nơi nhưng không xin được việc hoặc làm việc trái ngành, nghề mình học với thu nhập thấp hay chọn lao động chân tay để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ngành học “hot” với nhiều cơ hội việc làm Hơn 1,2 triệu thanh niên Hàn Quốc không tìm được việc làm sau tốt nghiệp

Chật vật tìm việc

Tốt nghiệp Trường Đại học Công đoàn với tấm bằng cử nhân ngành Kế toán loại Giỏi thế nhưng Nguyễn Trần Thùy Linh vẫn không thể tìm được việc làm ưng ý. Sau hơn 3 tháng gửi hồ sơ tới nhiều cơ quan, đơn vị và chờ đợi, song điều cô gái trẻ nhận được chỉ là những cái lắc đầu và lời nói thông cảm vì đã đủ chỉ tiêu hoặc những công việc mang tính “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Nhiều tân cử nhân loay hoay tìm việc khi vừa ra trường
Nhiều tân cử nhân loay hoay tìm việc khi vừa ra trường

Thùy Linh tâm sự: “Mình đã nhiều lần đăng ký ứng tuyển trên các trang mạng xã hội vì thấy công việc phù hợp, mức lương cao và chế độ tốt. Tuy nhiên khi được hỏi đến công việc cụ thể thì họ lại hướng dẫn mình làm những việc như đa cấp, thậm chí là lừa đảo. Điều này làm cho sinh viên mới ra trường khó tiếp cận được với các nhà tuyển dụng chân chính”.

Linh cho biết thêm, cùng lớp đại học với mình có 80 bạn đã ra trường nhưng số người có công việc tạm ổn chỉ chiếm khoảng 10%. Một số bạn đi học lên cao học, còn đa số phải làm đủ việc linh tinh trái sở trường hoặc vẫn đang chờ việc.

Kể từ lúc tốt nghiệp, ngày nào Lê Ngọc Nhi (tân cử nhân ngành quản trị kinh doanh, trường Đại học Thương Mại) cũng lùng sục các nguồn tuyển dụng, “đọc nát” những thông báo tìm người để kiếm một công việc phù hợp. Trước khi nộp CV (hồ sơ), Ngọc Nhi đều đọc kỹ mô tả, thấy mình đáp ứng được 80% yêu cầu mới ứng tuyển. Để chắc chắn, nhiều lần cô đến nộp trực tiếp cho nơi tuyển dụng hoặc gửi qua các web việc làm uy tín nhưng tỷ lệ được gọi phỏng vấn vô cùng ít.

“Ra trường mà không có việc để làm, trong khi vẫn phải chi tiêu tiền thuê nhà, ăn uống… nên mình thấy áp lực tâm lý rất nặng nề. Nhiều khi mình ngại chẳng dám ra khỏi phòng trọ vì sợ mọi người nhìn thấy lại hỏi: Chưa đi làm à?” Nhi buồn rầu nói.

Cầm trên tay tấm bằng đại học mình luôn tự hào, nhiều tân cử nhân nung nấu hoài bão về tương lai sẽ trở thành một công dân tốt, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên tất cả những điều đó đành gác lại, họ chấp nhận ở nhà chờ những thông báo việc làm. Cuộc sống của những “hiền tài” cứ thế trôi đi trong thầm lặng và vô nghĩa.

Chấp nhận làm trái nghề

Trở thành sinh viên là mơ ước và niềm hạnh phúc của nhiều bạn trẻ bởi con đường đến với cổng trường đại học không trải hoa hồng cho ai thiếu sự nỗ lực. Tuy nhiên thời gian trôi qua, ước mơ của những cô, cậu sinh viên vụt tắt khi đối mặt với nỗi lo thất nghiệp. không ít cử nhân chấp nhận làm công việc chẳng liên quan gì tới ngành nghề được đào tạo, thậm chí làm lao động phổ thông. Nhiều bạn trẻ chia sẻ: “Đi làm công việc này để kiếm sống đã, rồi việc chuyên môn tính sau…”.

Vấn đề việc làm trở thành nỗi lo “đến hẹn lại lên” của mỗi lứa tân cử nhân (ảnh minh họa)
Vấn đề việc làm trở thành nỗi lo “đến hẹn lại lên” của mỗi lứa tân cử nhân (ảnh minh họa)

Bạn Phạm Thị Huệ (quê Hải Dương), sinh viên Khoa Sư phạm (Đại học Thủ đô) tốt nghiệp từ năm 2021. Sau khi ra trường, Huệ gặp khó khăn khi khó tìm được môi trường giảng dạy ưng ý. Cô đã chuyển sang ngành kinh doanh online với mức thu nhập ổn và ít bị gò bó.

Với công việc bán hàng online, mỗi ngày Huệ có trung bình 3 ca livestream. Cô chia sẻ: “Mỗi ca khoảng 1 tiếng, bán xong chốt đơn. Công việc không nặng nhọc lắm mà cũng áp dụng được kỹ năng thuyết phục khi mình học trong trường. Vì thế mà mình buôn bán đắt khách”.

Sau gần 2 năm găn bó, dường như Huệ vẫn chưa có ý định dừng lại công việc trái ngành đem lại thu nhập từ 15 triệu đồng/1 tháng. Cô cho rằng nghề này hơn đứt công việc giáo viên lương tháng chỉ 3-4 triệu đồng.

Nhiều sinh viên chấp nhận làm các công việc trái ngành vì nhiều lý do, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là do…thất nghiệp, do không thể tìm được một công việc đúng chuyên ngành đã học.

Định hướng sớm cho bản thân

Ths Phạm Ngọc Thuý, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra những quy trình nhằm xác định các bước định hướng nghề nghiệp cho sinh viên theo từng bước: “Trước hết, các em cần tìm hiểu các lĩnh vực ngành nghề các em quan tâm hiện tại; xác định thế mạnh của bản thân và lĩnh vực, vị trí các em mong muốn.

Đồng thời, các em sinh viên năm cuối cũng cần bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng đối với các ngành nghề các em lựa chọn và tự mình trải nghiệm cũng như đánh giá định hướng của bản thân để thực sự được làm những công việc mà các em mong muốn”..

Ths Phạm Ngọc Thuý đưa ra lời nhắn nhủ về định hướng sớm cho tương lai của các tân cử nhân
Ths Phạm Ngọc Thuý đưa ra lời nhắn nhủ về định hướng sớm cho tương lai của các tân cử nhân

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những lý do tạo nên làn sóng “cử nhân thất nghiệp” chính là vấn đề ngoại ngữ. Với xã hội đang trên đà hội nhập như hiện nay thì ngoại ngữ được xem như là tấm vé thông hành mở ra cơ hội tìm được việc làm ưng ý, môi trường làm việc chuyên nghiệp với mức thu nhập thỏa đáng cho các bạn trẻ.

Tuy nhiên phần lớn sinh viên ra trường lại thiếu kiến thức, ngoại ngữ không thành thạo, nên tuột mất cơ hội tìm kiếm việc làm. Một trong những yêu cầu quan trọng mà nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu hiện nay đó là kỹ năng mềm, xử lý tình huống, công việc nhưng nhiều sinh viên lại thiếu điều đó.

Là người đi trước và nhận thấy hậu quả không xây dựng kế hoạch cho bản thân, Nguyễn Thùy Dương hiện đang làm việc tại Tập đoàn Thăng Long đã đề cao tầm quan trọng của việc định hướng sớm tương lai: “Các bạn sinh viên nên tận dụng tìm kiếm cơ hội việc làm từ những hoạt động định hướng, ngày hội việc làm của nhà trường. Ngoài ra, khả năng thích nghi làm việc trong môi trường thực tế của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng.

Hơn ai hết, chính các bạn sinh viên cũng cần phải lựa chọn đúng đắn, rõ ràng ngành học phù hợp với năng lực, sở trường và niềm đam mê của mình. Đồng thời, cần tiếp thu kiến thức một cách chủ động, rèn luyện kỹ năng mềm, bổ sung ngoại ngữ. Trang bị cho mình đầy đủ những hành trang trên, các bạn sẽ có cơ hội tìm được những công việc xứng đáng với bản thân”.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động