Những món ngon dân dã ‘giết sâu bọ’ trong Tết Đoan ngọ
Vì sao người Việt gọi Tết Đoan Ngọ là "Tết diệt sâu bọ"? Chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ đúng truyền thống |
Rượu nếp
Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết giết sâu bọ. Theo quan niệm dân gian, vị nồng cay của rượu nếp sẽ loại bỏ được các ký sinh trùng có hại cho sức khỏe.
Để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ, thời xưa, người phụ nữ thường chọn các loại gạo ngon nhất như nếp cẩm, nếp cái hoa vàng đồ xôi, ủ men trước 3 ngày. Thúng xôi ủ cần đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu. Khi ăn, người ta đem trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng mua rượu nếp tại các chợ và gánh hàng rong.
Nếu rượu nếp ở miền Bắc để cả cái và nước rượu trong bát, xúc ăn bằng thìa thì ở miền Trung, cái rượu được ép thành khối, còn ở miền Nam được viên tròn trước khi thưởng thức.
Bánh tro/bánh gio/bánh ú
Món bánh truyền thống được làm từ gạo nếp và nước tro đốt từ củi ăn cùng mật mía cũng là món ăn truyền thống trong Tết giết sâu bọ. Bánh có vị thanh mát, dẻo thơm hòa quyện cùng sự ngọt ngào của mật mía để lại những dư vị khó quên. Khi ăn bánh tro trong ngày 5/5, dân gian tin rằng bệnh tật trong người sẽ biến mất.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, ăn bánh gio vào đúng dịp Tết Đoan ngọ sẽ phát huy những công dụng cực hữu ích cho sức khỏe. Bởi vào ngày Tết Đoan Ngọ, chúng ta thường ăn nhiều thứ đồ ăn như rượu nếp, xoài, mít rất giàu chất béo, nhiều đường nên dễ sinh nhiệt, khó tiêu… Trong khi bánh tro có tính mát, giúp cân bằng, điều hòa cơ thể hiệu quả, giúp bạn ổn định sức khỏe.
Hoa quả theo mùa
Hoa quả theo mùa là thức quà không thể thiếu trong ngày Tết mồng 5. Hoa quả được lựa chọn thường là những loại quả chua bởi người dân tin rằng vị chua cay nóng sẽ giúp giết sâu bọ một cách tốt nhất.
Người miền Bắc thường chọn các loại hoa quả như mận, vải, đào, dưa hấu, dứa… trong khi người miền Nam chọn chôm chôm, măng cụt, xoài…
Thịt vịt
Món ăn có tính mát giải nhiệt này xuất hiện trên các mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Trung. Tại đây, người ta quan niệm từ 5/5, vịt sẽ vào mùa ngon nhất khi béo hơn, thịt thơm và không còn mùi hôi nữa. Trong Tết Đoan Ngọ, món vịt được người dân chế thành tiết canh vịt, bún măng vịt…
Trong sự giao thoa văn hóa, món vịt cúng 5/5 từ miền Trung đã lan tỏa dần ra các vùng miền khác.
Chè trôi nước
Không chỉ là món chủ đạo trong Tết Hàn Thực, chè trôi nước cũng góp mặt trong Tết Đoan Ngọ. Chè trôi nước có tính mát, thích hợp với thời tiết nóng bức lại phù hợp với quan niệm diệt trừ sâu bọ trong Tết Đoan Ngọ của dân ta nên không chỉ các gia đình miền Nam mà nhiều vùng miền khác cũng thực hiện món ăn này.
Bánh khúc
Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen.