Cơ hội cho thiếu nhi Thủ đô trải nghiệm Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa

Từ 6-9/6/2024, thiếu nhi Thủ đô có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), trong đó có việc tìm hiểu về các nghi thức trong Tết Đoan Ngọ truyền thống.
“Tết Đoan Ngọ xưa và nay” ở Hoàng thành Thăng Long trưng bày trực tuyến Tết Đoan ngọ xưa chốn quê nghèo Hoa giấy ngũ sắc giá hơn 100 triệu mỗi cây

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" trong chuỗi hoạt động nhân dịp tết Đoan Ngọ 2024 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Đoan Ngọ (Đoan Dương) là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Ở Việt Nam, dân gian ta thường gọi là Tết “giết sâu bọ”, từ xa xưa đã lưu truyền câu ca dao: “Tháng Tư đong đậu nấu chè. Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”.

Đây được xem là tết kỳ lạ nhất của người Việt với nhiều phong tục lễ nghi độc đáo. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”.

Chương trình "Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa" gồm có các hoạt động: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà.

Cơ hội cho thiếu nhi Thủ đô trải nghiệm Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa
Tái hiện nghi thức Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long

Những phong tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; tục hái thảo mộc làm thuốc và làm trà vào giờ ngọ; tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng… trong dịp Tết Đoan Ngọ được tái hiện tại không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, túi thơm.

Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng.

Ngoài ra, các em thiếu nhi và du khách tới đây dịp này có dịp trải nghiệm uống trà cùng các nghệ nhân Hoàng Anh Sướng và Cao Sơn.

Uống trà là truyền thống và thói quen của người Việt. Theo kinh nghiệm dân gian, vào đúng giờ ngọ ngày mồng 5 tháng 5 thì nhân dân thường đi hái các loại lá vối, nụ vối, lá sen, lá vông, hoa nhài, hoa sen… về phơi khô, cất trữ bảo quản để uống cả năm.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép các vua Trần cho dựng điện để thưởng trà. Đến thời vua Lê, vua Nguyễn, nghệ thuật này càng phát triển và đạt đến đỉnh cao. Vào ngày tết Đoan Ngọ, ngoài việc ban thưởng yến, quạt, khăn tay, các vua Nguyễn còn thưởng trà cho các bề tôi của mình. Uống trà, thưởng trà như một dòng chảy văn hóa thấm đẫm vào cuộc sống và tâm hồn người Việt. Tại đây, các nghệ nhân sẽ chia sẽ những câu chuyện hay, những bí quyết ướp trà, pha trà, thưởng trà đặc sắc… truyền tải tri thức, sự hiểu biết và niềm vui đến với du khách.

Chương trình diễn ra từ ngày 6 - 9/6 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Thái Sơn
Phiên bản di động