Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 2024 ở 3 miền có gì?

Tùy theo văn hóa và phong tục mỗi vùng, lễ vật cúng Tết diệt sâu bọ 5/5 Âm lịch ở mỗi nơi trên cả nước lại có những sự khác biệt.
Tết Đoan Ngọ - Phong tục đẹp của người Việt

Cứ đến Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch hàng năm, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu, con cháu bình an, mạnh khỏe. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, được tiến hành vào chính giờ Ngọ giữa trưa ngày mồng 5/5 Âm lịch.

Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Những con sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp cái...

Cách trừ sâu bọ trong người như sau: Buổi sáng ngủ dậy trước khi đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó, bước chân ra khỏi giường, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, cuối cùng ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Mâm lễ cơ bản đều gồm có: Hương, hoa, vàng mã, nước,rượu nếp, các loại hoa quả: mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối...

Mâm lễ ở miền Bắc

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc cũng gồm các món đồ cúng cơ bản như hương, hoa tươi, các loại quả (mận, vải), xôi chè, rượu nếp, nước... Đặc biệt, một món không thể thiếu trong mâm lễ cúng là bánh gio.

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 2024 3 miền có gì?
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc

Bánh gio là loại bánh làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro và gói bằng lá chuối. Bánh có vị nhạt, dẻo thơm, thường được ăn cùng đường hoặc mật. Người xưa quan niệm, ăn bánh từ gạo nếp luộc trong lá sẽ hấp thu đặc tính của cây cỏ, giúp giải nhiệt, tiêu trừ bệnh tật trong cơ thể.

Ngoài ra, rượu nếp cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Người xưa tin rằng, ăn rượu nếp sẽ giúp diệt sâu bọ gây hại cho cơ thể người. Ngoài rượu nếp cái hoa vàng, một số gia đình miền Bắc còn làm thêm rượu nếp cẩm.

Mâm lễ ở miền Trung

Ngoài các món cơ bản trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt, miền Trung còn có thêm món thịt vịt. Người miền Trung cho rằng, thịt vịt có tính mát, giúp giải nhiệt cho cơ thể, bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 2024 3 miền có gì?
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Trung

Bên cạnh đó, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ miền Trung còn có bánh ú, chè kê. Đặc biệt, chè kê ăn cùng bánh tráng vùng là món ăn độc đáo, quen thuộc xuất hiện thường xuyên trong mâm cúng của người Huế và Quảng Nam.

Mâm lễ ở miền Nam

Khác với miền Bắc và miền Trung, cơm rượu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam được vo thành viên tròn, thêm nước đường, ăn giống xôi chè ở miền Bắc.

Ngoài ra, trong mâm lễ còn có bánh ú Bá Trạng, tương tự như bánh gio nhưng to hơn. Bánh cũng được làm bằng gạo nếp nhưng nhồi thêm nhân, gói bằng lá sen hoặc lá chuối trước khi đem hấp/luộc. Bánh ú có thể được biến tấu với nhân mặn, ngọt tùy thích, gói bằng lá che hoặc lá dong...

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 2024 3 miền có gì?
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam

Bên cạnh những món cơ bản không thể thiếu, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam cũng có thêm món chè trôi nước. Bánh trôi được làm từ bột nếp trắng, nhân đậu xanh, ăn cùng nước đường, nước cốt dừa với ý nghĩa giúp tiêu diệt sâu bọ.

Trung Đức
Phiên bản di động