Những thành phố thân thiện với xe đạp

Mong muốn giảm thiểu khí thải từ ô tô và xe máy cũng như giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày một nghiêm trọng, nhiều đô thị trên thế giới đã triển khai hàng loạt chính sách khác nhau để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.
Hà Nội bắt đầu thi công trạm xe đạp công cộng đầu tiên tại số 12 phố Đào Tấn Xe đạp công cộng góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân Nâng cao ý thức người điều khiển giao thông là giải pháp lâu dài

Hệ thống xe đạp công cộng trên thế giới hiện tập trung vào hai mục tiêu chính. Thứ nhất, nó khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm...). Người dân sẽ dễ dàng dùng xe đạp công cộng tiếp cận các điểm cần đến hoặc cần đi từ trạm xe buýt hoặc tàu điện ngầm.

Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng xe đạp công cộng này để đi lại tham quan trong phạm vi hẹp như các khu du lịch, khu thương mại, khu trung tâm thành phố bằng cách thuê xe đạp theo giờ hoặc ngày.

Trên thực tế, nhiều đô thị trên thế giới có tỉ lệ di chuyển bằng xe đạp rất cao.

“Thủ đô xe đạp” Paris

Kể từ năm 2015, thủ đô Paris, Pháp, đã đầu tư 150 triệu euro với mục tiêu trở thành một trong những "thủ đô xe đạp” trên thế giới. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi chiều dài làn đường xe đạp, quy hoạch thêm nhiều điểm đỗ và nâng cấp hệ thống xe đạp công cộng Vélib’.

Người dân chỉ việc tải ứng dụng trên điện thoại và đăng ký sử dụng dịch vụ bằng thẻ tín dụng. Nhờ việc đăng ký sử dụng đơn giản và chi phí thấp tùy theo đối tượng, mô hình này được người dân rất hưởng ứng.

 Số lượng người đi xe đạp ở Paris tăng mạnh (Ảnh: archdaily)

Số lượng người đi xe đạp ở Paris tăng mạnh (Ảnh: archdaily)

Đến nay, hệ thống này đã phát triển được khoảng 1.400 trạm và hơn 14.000 chiếc xe đạp. Ban đầu, hệ thống Vélib’ chỉ cho thuê xe bình thường và ngắn hạn theo giờ. Hiện nay, do nhu cầu tăng cao, chuỗi mô hình này đã đầu tư cả xe đạp điện và cho thuê dài hạn.

Ngoài ra, nhiều công ty cũng tạo điều kiện thưởng thêm cho nhân viên nếu họ đi làm bằng xe đạp. Các công đoàn công ty còn lập ra những câu lạc bộ thể thao, để nhân viên có thể cùng nhau đi xe đạp hay thậm chí đi bộ đến công ty.

Thành phố thờ ơ với ô tô

Luôn đứng trong nhóm đầu bảng xếp hạng về các thành phố thân thiện với du lịch bằng xe đạp trên thế giới, thủ đô của Đan Mạch đã thành công trong việc đưa xe đạp vào lối sống của người dân.

Theo thống kê, trung bình mỗi người dân Đan Mạch một ngày đạp xe 1,6km. Cứ 10 người dân nước này thì có tới 9 người sở hữu xe đạp. Trên khắp cả nước có khoảng 12.000km đường dành riêng cho xe đạp. Riêng thủ đô Copenhagen có 400km.

Dân số Copenhagen khoảng 644 ngàn người nhưng thành phố này có đến 675.000 xe đạp, trong khi chỉ có 120.000 ô tô, nghĩa là số xe đạp nhiều gấp 5 lần số ô tô. Xe đạp đã trở thành phương tiện giao thông chính trong cuộc sống hàng ngày của người dân tại Copenhagen.

Người dân Copenhagen rất thích đi xe đạp (Ảnh: Getty)

Người dân Copenhagen rất thích đi xe đạp (Ảnh: Getty)

Theo một cuộc khảo sát của tổ chức Icebike, có 95% người dân hài lòng khi Copenhagen là thành phố của xe đạp; 75% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy an toàn khi tham gia giao thông ở Copenhagen. Nhờ đẩy mạnh sử dụng xe đạp, tai nạn giao thông ở Copenhagen đã giảm rõ rệt. Số vụ tai nạn gây chết người thấp, chỉ bằng hơn 1/2 so với mức trung bình của các thành phố Châu Âu khác.

Người dân sử dụng xe đạp còn góp phần giảm lượng khí thải và ô nhiễm tiếng ồn, giúp Copenhagen trở thành một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm thấp và không khí trong lành nhất thế giới.

“Đối với người dân Copenhagen, đi xe đạp là một cách sống và chúng tôi tự hào được gọi là thành phố đi xe đạp tốt nhất thế giới”, bà Sophie Hæstorp Andersen, Thị trưởng Copenhagen nói.

Khuyến khích người dân đi bộ, đạp xe

Tại đảo quốc sư tử, cơ quan Giao thông đường bộ của nước này (LTA) đặt mục tiêu thúc đẩy việc đi bộ, đạp xe trở thành hệ thống giao thông xanh và bền vững hơn cho Singapore.

Đến năm 2040, LTA đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tất cả các hành trình đến trung tâm vùng lân cận gần nhất sử dụng phương thức đi bộ, đạp xe trong vòng chưa đầy 20 phút; 9 trong số 10 hành trình sử dụng phương thức này trong giờ cao điểm sẽ được hoàn thành trong dưới 45 phút.

Bằng cách mở rộng mạng lưới đi xe đạp của mình, LTA không chỉ cải thiện kết nối chặng đầu tiên và chặng cuối mà còn giúp mọi người thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các tiện nghi hàng ngày ở trung tâm khu vực lân cận gần nhất hoặc xa hơn nữa bằng cách đi bộ và đạp xe.

Hiện nay, Singapore có khoảng 500km đường dành cho xe đạp và đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đường đi xe đạp trên toàn đảo quốc lên 800km trong 2 đến 3 năm tới. Cuối cùng, đảo quốc sẽ đạt mục tiêu khoảng 1.300km vào năm 2030.

Để hỗ trợ việc đi lại bằng xe đạp, ngoài đường dành cho xe đạp, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyến đi cũng rất quan trọng. Hiện Singapore có khoảng 27.000 chỗ đậu xe đạp tại các điểm giao thông công cộng. LTA sẽ cung cấp thêm 3.000 chỗ nữa tại các ga tàu điện ngầm vào năm 2025.

Ngọc Ly
Phiên bản di động